Người bị bệnh tiểu đường ngày càng trẻ

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh nhân Đ.T.Q.D. (50 tuổi, Bình Tân) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Da liễu TPHCM trong tình trạng mặt bên phải sưng phù, vùng miệng mưng mủ, lở loét, đau nhức nhiều, kèm sốt cao. Đây là một trường hợp tai biến nặng do nặn nhọt trên mặt trên nền đái tháo đường tiềm ẩn.

Một nốt mụn nhỏ… nửa gương mặt bị loét

Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó hơn 1 tuần ông D. có bị 1 cái mụn nhỏ ở khóe miệng, do khó chịu nên ông hay sờ nắn, bóp... sau vài ngày chỗ đó sưng to lên, có mủ, loét ra kèm sốt cao nên người nhà tức tốc đưa ông đi bệnh viện.

Bệnh nhân bị lở loét vùng mặt vì một nốt mụn nhỏ do bệnh đái tháo đường tiềm ẩn.

Bệnh nhân bị lở loét vùng mặt vì một nốt mụn nhỏ do bệnh đái tháo đường tiềm ẩn.

BSCKII Nguyễn Vũ Hoàng, Phó Trưởng khoa Khoa Lâm sàng 2 (Bệnh viện Da liễu TPHCM) cho biết, đây là một trường hợp bị nhọt diễn tiến nặng lên gây ra viêm mô tế bào trên nền bệnh đái tháo đường. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị đái tháo đường týp 2 mà trước đó không hề biết mình bị bệnh. Chính tình trạng đái tháo đường không được kiểm soát đã khiến cho nhọt diễn tiến nặng lên.

Hiện nay, một số người có thói quen hay nặn mụn, việc này sẽ khiến vết thương nhiễm trùng lan rộng hơn và nếu xuất hiện trên một số bệnh nền suy giảm miễn dịch đi kèm như đái tháo đường, suy thận, ung thư… rất dễ bị viêm mô tế bào và nếu diễn tiến nặng hơn nữa vi khuẩn sẽ đi vào trong máu và gây ra nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm.

Phần lớn nhọt có thể điều trị tại nhà bằng cách chườm ấm, đó là dùng khăn sạch nhúng vào nước ấm có nhiệt độ vừa phải rồi chườm lên vùng bị nhọt 10 - 15 phút mỗi lần, ngày 3 - 4 lần cho đến khi nhọt vỡ và tháo mủ. Vết thương sau đó được rửa sạch bằng dung dịch sát trùng và băng lại để hạn chế vi khuẩn lây lan.

Bệnh nhân tai biến mụn nhọt được chăm sóc tại Bệnh viện Da liễu TPHCM.

Bệnh nhân tai biến mụn nhọt được chăm sóc tại Bệnh viện Da liễu TPHCM.

Để phòng tránh mụn nhọt, người dân cần ăn uống nghỉ ngơi điều độ, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm rửa bằng các dung dịch hay xà bông diệt trùng, hạn chế cào gãi, sờ mó, nắn, bóp mụn nhọt.

Một số trường hợp cần đến khám bác sĩ da liễu ngay ví dụ như nhọt có kích thước to, nhiều nhọt xuất hiện cùng lúc, nhọt ở vị trí nguy hiểm như vùng mặt, nhọt gây đau nhức nhiều, nhọt kéo dài trên 2 tuần mà không lành, nhọt đi kèm với sốt hay suy giảm sức đề kháng như bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), suy thận, ung thư, béo phì… hoặc đang dùng các thuốc gây ức chế miễn dịch như corticosteroid hệ thống, thuốc hóa trị ung thư, thuốc sinh học...

Kiểm soát tốt giảm nguy cơ ĐTĐ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 4 bệnh chính không lây nhiễm là tim mạch (nhồi máu cơ tim và đột quỵ), ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD và hen) và ĐTĐ là nguyên nhân của 2/3 tổng số các bệnh phải nhập viện, điều trị với 73% tử vong.

Theo một ghi nhận tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, hiện nay, mỗi ngày, chỉ tính riêng phòng khám của khoa Nội tiết đã tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân đến khám vì các vấn đề của bệnh ĐTĐ. Theo BSCKII Hồ Đắc Phương, Phó khoa Nội tiết (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), trước đây, bệnh nhân mắc bệnh thường ở tuổi đã khá cao (50 - 60 tuổi). Tuy nhiên, hiện nay, tuổi bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ ngày càng trẻ, không ít bệnh nhân ở độ tuổi 40 hoặc trẻ hơn. Đồng thời, theo tuổi thọ ngày càng cao, thâm niên mắc bệnh ngày càng kéo dài theo lên tới hơn 20 năm.

Những người có nguy cơ cần đi khám sức khỏe định kỳ và tư vấn đề sớm phát hiện và điều trị các bệnh mạn tính không lây như đái tháo đường.

Những người có nguy cơ cần đi khám sức khỏe định kỳ và tư vấn đề sớm phát hiện và điều trị các bệnh mạn tính không lây như đái tháo đường.

Điều đó đi kèm theo những biến chứng do ĐTĐ mang lại như bàn chân, tim mạch, thận… tồn tại càng lâu. Vì vậy, bệnh nhân ĐTĐ týp 2 cần nắm được các kỹ năng cần thiết để quản lý bệnh như thay đổi lối sống, uống thuốc, chế độ dinh dưỡng hợp lý…

Đặc biệt, những vết thương bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường cần được điều trị cẩn thận trong khi thời gian lành vết thương rất dài 8 - 12 tuần.

Hơn thế nữa, hiện nay, tình trạng bệnh nhân tiền ĐTĐ khá nhiều. Những người bị tiền ĐTĐ - mức đường trong máu cao hơn bình thường - có khả năng mắc bệnh đái tháo đường týp 2 nhiều gấp 5 - 15 lần so với những người có mức đường huyết bình thường. Trong thực tế, nhiều người bị tiền ĐTĐ sẽ tiến triển bệnh ĐTĐ týp 2 trong vòng 3 - 5 năm nếu không tuân thủ các phương cách ngăn chặn. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, đường trong máu cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và làm suy yếu hệ miễn dịch, dễ gây nên nhiễm trùng.

Vì vậy, những người có nguy cơ cao như lượng đường cao trong máu, tình trạng thừa cân - béo phì, tăng huyết áp… cần có chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, kiểm soát căng thẳng. Các nghiên cứu cho thấy, những người bị tiền ĐTĐ giảm 5 - 7% trọng lượng cơ thể sẽ làm giảm nguy cơ tiến triển bệnh ĐTĐ týp 2 tới 58%.

Theo Tự viết
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top