Rau dền gai thuộc họ rau dền Ama ranthaceae, là loại mọc hoang dại… Ngọn và lá non thường được hái làm rau, ngoài ra còn được hái cả cây làm thuốc.
Theo y học cổ truyền, rau dền gai có vị ngọt tính mát, có công hiệu thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết, chỉ huyết, thường dùng chữa chứng kiết lỵ, bí đại tiểu tiện, đau mắt đỏ, đau họng, chảy máu cam. Theo dược tính hiện đại, trong 100g rau dền gai cung cấp cho cơ thể 20 kcalo, trong đó có chứa 91,7g nước, 3,6g protein, 3,4g glucid, 1,6g chất xơ, 1,6g tro 1,6g, 46mg vitamin C, 20mg carotene, đều là dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Một số món ăn bài thuốc từ rau dền gai.
- Chữa thiếu máu thiếu sắt: Rau dền gai 100g hoặc hơn nấu canh tôm, cua, hoặc xào gan động vật ăn.
- Chữa phụ nữ sau sinh thiếu sữa: Rau dền gai, rau ngò mỗi vị 100g luộc ăn cả cái lẫn nước. Chế biến bằng cách hái đọt lá non dền gai tước vỏ gai cứng bên ngoài, luộc chấm mắm hoặc nấu canh tôm cua.
- Chữa tiểu đường, kèm chứng miệng khô khát, táo bón: Rau dền gai luộc chấm muối mè.
- Chữa nóng sốt: Rau dền gai 200g băm nhỏ sắc chắt lấy nước uống.
- Chữa táo bón: Rau dền gai, rau đay, rau mồng tơi mỗi thứ 50g nấu canh cua ăn tuần vài lần.
- Chữa tiểu buốt gắt: Rau dền gai 150g hoặc hơn, rau mã đề mỗi vị 100g sắc nước uống.
- Chữa đau đầu, chóng mặt, huyết áp cao: Rau dền gai 200g, cỏ mần trầu mỗi vị 100g sắc nước uống.
- Chữa viêm bàng quang: Rau dền gai tươi 50 - 80g sắc nước uống.
- Chữa mắt yếu, khó ngủ: Hạt rau dền gai và hạt thảo quyết minh mỗi vị từ 10 - 16g sao vàng sắc uống.
- Chữa đau bụng quặn, đi ngoài ra mũi máu, kiết lỵ: Rau dền gai, rau sam mỗi vị 100g sắc nước uống ngày vài lần.
DS Nguyễn Văn Hào (128 Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu)