Chỉ có hai loại thực phẩm là thực phẩm an toàn và thực phẩm không an toàn với người sử dụng
Để có nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng liên quan rất nhiều khâu trong chuỗi cung cấp thực phẩm: Nuôi/trồng, thu hoạch/giết mổ, chế biến, vận chuyển, lưu thông đặc biệt là chuỗi này phải tuân đúng quy trình sạch (GAP, GMP..) và điểm mấu chốt cuối cùng phụ thuộc hoàn toàn vào kiến thức và kỹ năng về lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm của người tiêu dùng.
Về lựa chọn thực phẩm thì mỗi loại thực phẩm, người tiêu dùng có cách lựa chọn khác nhau. Cụ thể, để chọn được các loại thịt lợn an toàn (không nuôi bằng hóa chất tạo nạc clenbuterol) nên chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt.
Thịt tươi, ngon phải có lớp mỡ có màu sáng bóng, phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt tươi và sạch cần phải không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.
Đối với cá, tốt nhất là chọn cá còn bơi trong nước hoặc vừa chết nhưng thân cá co cứng, khi để cá lên bàn tay thân cá không thõng xuống; mắt cá trong suốt, giác mạc đàn hồi; miệng ngậm cứng; mang màu đỏ tươi, vây tươi, óng ánh, dính chặt vào thân; thịt rắn chắc, có đàn hồi.
Chế biến đúng cách cũng hạn chế nguy cơ mất an toàn thực phẩm: rửa rau dưới vòi nước sạch giúp tẩy rửa hóa chất tồn dư trong thực phẩm, loại bỏ được giun sán; hóa chất trừ sâu cũng sẽ bay hơi khi đun nấu thức ăn.
Trong khi chế biến, thực phẩm có mùi vị bất thường thì không nên ăn. Tóm lại: người tiêu dùng khi chọn lựa thực phẩm an toàn có thể phân biệt bằng thị giác (màu sắc tự nhiên của thực phẩm), khứu giác (mùi, vị đặc trưng của từng loại thực phẩm).
ThS. BS Nguyễn Văn Tiến
(Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng)