Sống tĩnh khiến người già nhanh già
Khác với một số người cao tuổi tích cực tham gia công tác xã hội, hoạt động văn nghệ, thể thao với phường, hội, hiện nay không thiếu những người già lại chọn cách sống thu mình, chỉ bó hẹp trong mấy bức tường làm bạn với cái tivi. Th.S Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng mềm, cho rằng thực tế không ít người già khi còn sức khỏe chỉ chăm chăm lo con lo cháu, già hơn thì lại suốt ngày quẩn quanh trong nhà làm bạn với cái tivi, cái giường. Nhiều người cho rằng như thế là an nhàn hưởng tuổi già, nhưng thực tế chính sự “ăn rồi ngồi một chỗ” đó lại khiến cho nhiều người còn sống già hơn tuổi già của mình.
ThS Trần Mạnh Hoàng cho rằng đối với tuổi già, bên cạnh sức khỏe thể chất thì sức khỏe tinh thần vô cùng quan trọng, việc sống vui, sống khỏe sẽ làm cho tuổi già có ý nghĩa hơn, các cụ không chỉ là sống cho qua ngày mà phải thực sự hưởng thụ tuổi giả.
Khi ở trong nhà nhiều lại không có việc gì làm, người già thường hết xem ti vi lại tìm đến cái giường, ngủ lơ mơ, li bì bất cứ lúc nào trong ngày. Đừng nghĩ rằng “ăn được ngủ được là tiên”, bởi việc thừa ngủ có thể gây ra những bất lợi cho sức khỏe người cao tuổi.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Buffalo ở New York, Mỹ công bố kết luận rằng thường xuyên ngủ nhiều có thể làm gián đoạn việc cung cấp máu lên não và gia tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là ở người già. Ngủ quá nhiều, trong tình trạng lơ mơ, ngủ vặt cả ngày hoặc không ngủ đủ giấc đều có thể làm cho người cao tuổi hay quên và chậm chạp.
Dẫn chứng một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ cho thấy những người cao tuổi có xu hướng sống khép kín, ít tham gia các hoạt động bên ngoài có tỉ lệ tử vong do tim mạch cao hơn những người tích cực hoạt động, ThS Trần Mạnh Hoàng khẳng định: sống tù túng, bó hẹp trong bốn bức tường sẽ dễ khiến người cao tuổi trở nên chậm chạp, ốm yếu, và nhanh già.
Tâm lý vui tươi, thoải mái khi tham gia các hoạt động cộng đồng hay những hình thức sinh hoạt chung với bạn bè đồng lứa sẽ khiến người cao tuổi vui hơn, trẻ khỏe hơn, tránh được các bệnh do tâm lý tuổi già mang đến.
Người cao tuổi đừng sống bó hẹp trong 4 bức tường
Nên đa dạng các hoạt động
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thói quen tập luyện rất tốt cho người già. Khi tập luyện, cơ thể chúng ta sẽ tiết ra một số nhân tố tăng trưởng, làm tăng khả năng hoạt động của tế bào thần kinh, và thậm chí còn tạo ra tế bào thần kinh mới trong não, giúp ngăn ngừa việc suy giảm nhận thức và phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần, cải thiện tâm trạng và khả năng tập trung ở người già.
Nghiên cứu của nhà khoa học thuộc Đại học California (Mỹ) kiểm tra khả năng nhận thức của 2.500 người trong độ tuổi 70 – 79 trong suốt 8 năm, đã cho thấy khả năng duy trì hoạt động thần kinh ở mức ổn định có được nhờ sự luyện tập thể thao, học tập, không hút thuốc và hoạt động xã hội.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy những người tập thể dục từ mức độ trung bình trở lên ít nhất một lần/tuần có cơ hội duy trì trí óc minh mẫn cao hơn 30% so với những người không tập bao giờ hoặc tập không thường xuyên.
Theo BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ Bệnh viện 105, ban ngày, thay vì giết thời gian nhàn hạ vào việc ngủ, người già nên tham gia vào các hoạt động như tập thể dục (dưỡng sinh, đạp xe…), giao lưu với bạn bè, hàng xóm… để cuộc sống bớt nhàm chán đồng thời giúp tăng cường sức khỏe.
Con cháu đừng ngại “giao việc” cho người già để họ cảm thấy mình còn “được việc”, vừa để bố mẹ có tâm lý vui vẻ vì thấy mình hữu ích, lại vừa là cách giúp người già vận động, giảm sức ì. Tuy nhiên, những việc giao cho người già làm nên nhẹ nhàng, vừa sức, và nên thay đổi để đỡ nhàm chán.
Đối với những người già yếu, thì con cháu, người trong gia đình cần phải tìm cách để kích thích sự quan tâm của họ trong cuộc sống. Có thể đưa người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội thông qua việc đi du lịch, tham dự sự kiện liên quan đến lứa tuổi, hoặc thậm chí cần có người chăm sóc ban ngày để trò chuyện và giúp người cao tuổi tham gia tích cực hơn vào các hoạt động, đặc biệt là hoạt động ngoài trời.
Đức Anh