Tuổi già không đáng sợ

Sợ tuổi già là nỗi sợ thường trực của rất nhiều người cao tuổi. Từ nỗi sợ này, người già sống bi quan, hay lo nghĩ, thậm chí là lo sợ, nghi kỵ đủ thứ khiến cho cuộc sống ngột ngạt, căng thẳng và làm cho cái sự già càng trầm trọng hơn, già càng nhanh hơn.

Càng sợ càng già nhanh

Theo ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm, già, luôn là một từ nhạy cảm của hầu hết người già hoặc những người toan về già; bởi già thường đi kèm với nhiều hệ lụy xấu như nghỉ hưu, không còn sức lao động, bệnh tật kéo tới, phải sống cuộc sống thụ động và phụ thuộc vào con cái trong sinh hoạt hàng ngày, trí nhớ suy giảm,…

Những biểu hiện của việc sợ tuổi già bao gồm nuối tiếc quá khứ huy hoàng, lo sợ tương lai, sợ phải phụ thuộc vào người khác trong sinh hoạt hàng ngày…, thậm chí là sống tách biệt với hiện thực, thường xuyên lo âu, sợ hãi mà không rõ nguyên nhân, không thể giao tiếp hoặc suy nghĩ một cách bình tĩnh, lưu loát, luôn bị ám ảnh bởi qui luật “sinh lão bệnh tử”.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/khong-so-tuoi-gia-2-300x200.jpg

Sợ tuổi già là nỗi sợ thường trực của rất nhiều người cao tuổi. 

Điều đáng nói, chính những nỗi sợ già này khiến cho chất lượng cuộc sống của người già bị giảm. Người già luôn sống trong bất an, bi quan, khiến cho quá trình lão hóa nhanh và càng sợ già thì càng già nhanh hơn.

Một khảo sát nhỏ tại Đại học Exeter (Anh) với những người trong độ tuổi từ 66 – 98 tham gia trả lời các câu hỏi trong phạm vi nghiên cứu để xác định những ảnh hưởng về thái độ và niềm tin của họ trên vấn đề tuổi tác. Những người tham gia ở các tình trạng sức khỏe thể chất khác nhau.

Một số sống ở viện dưỡng lão, một số người khác thì sống một mình. Kết quả cho thấy những người tự nhận mình là già yếu luôn có nhận thức tiêu cực về tuổi tác dẫn đến một sự suy giảm đáng kể về sức khỏe, bởi vì họ từ chối tham gia các hoạt động thể dục tập thể nhằm nâng cao thể lực. Và điều này lại tác động trực tiếp lên sức khỏe của chính họ khiến cho cuộc sống của họ nhanh già hơn.

Hãy sống tích cực và chủ động

Theo ThS Trần Mạnh Hoàng, để tuổi già đến chậm hơn, cuộc sống già thảnh thơi hơn, đầu tiên người cao tuổi cần học cách chấp nhận tuổi già như một quy luật tất yếu, không thể tránh khỏi của cuộc sống và vui vẻ với quy luật này.

Thay vì để cho tâm trí bị ám ảnh bởi những nếp chân chim, bởi mái tóc bạc trắng đầu, bởi những cơn đau nhức bất ngờ ập đến, bởi trí nhớ ngày càng suy giảm…, người già hãy lạc quan, tích cực và sống chủ động.

Cuộc sống tích cực, chủ động, vui vẻ, thảnh thơi có thể chỉ là đọc một cuốn sách hay, xem một bộ phim yêu thích hay kể cho con cháu những kỷ niệm đẹp trong quá khứ, của thời thanh xuân đã lùi xa.

Khi người già gặp chứng sợ tuổi già cần chia sẻ với con cái, người thân để được hỗ trợ, thậm chí nếu tình trạng không giảm cần phải đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Các phương pháp điều trị thường gặp đối với chứng sợ tuổi già như dùng thuốc, áp dụng liệu pháp hành vi, tái hiện ký ức, các kỹ thuật thư giãn và các liệu pháp hồi phục tinh thần.

ThS Trần Mạnh Hoàng

Sống tích cực, lạc quan, chủ động có thể là đưa đón cháu đi học, dọn dẹp việc nhà, thậm chí chỉ là trồng vài chậu cây hoặc vài luống rau, chép một vài công thức nấu ăn ngon và thực hành chúng để cải thiện bữa ăn.

Cuộc sống tích cực, chủ động còn tham gia các hoạt động cộng đồng, tham gia các câu lạc bộ, các hội nhóm để chia sẻ tâm tư và giao lưu tình cảm với xã hội, bạn bè đồng trang lứa. Ngoài trang bị thái độc sống tích cực, lạc quan, yêu đời, người già cần có chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, đồng thời tích cực rèn luyện cơ thể bằng những bài tập vận động vừa sức.

“Hãy nghĩ rằng, ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời, chúng ta luôn là người có ích, bằng cách này hay cách khác. Vì vậy, thay vì bi quan, buồn chán và lo sợ, người già hãy nhìn cuộc sống theo khía cạnh tích cực và chủ động làm chủ cuộc sống của mình”, Th.S Trần Mạnh Hoàng nhấn mạnh.

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top