Lý do người già không nên nghĩ nhiều trước khi ngủ

Trước khi đi ngủ, hoặc khi nửa đêm thức giấc, nhiều người già thường hay có thói quen chìm đắm trong suy tưởng, nghĩ ngợi về gia đình, con cái, về quá khứ đã xa, về cái chết sắp đến gần… Điều này khiến cho giấc ngủ của người già vốn đã khó, nay còn khó hơn.

Càng nằm càng nghĩ nhiều, lung tung

Nghĩ nhiều mất ngủ là chứng bệnh xảy ra ở mọi đối tượng chứ không kể người già. Đối với người trẻ, tình trạng nghĩ nhiều mất ngủ thường xảy ra khi họ gặp biến cố, trục trặc gì đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, với người già, do bệnh tật, sức khoẻ yếu khiến người cao tuổi rất nhạy cảm nên nhiều khi, chẳng có việc gì quá quan trọng cũng nằm nghĩ vẩn vơ.

Nhiều người già cho biết, cứ đặt lưng xuống giường hoặc nửa đêm thức giấc tỉnh dậy là bắt đầu chìm trong suy tưởng. Người già nghĩ về nhiều thứ từ con cái, gia đình, quá khứ, bệnh tật, cái chết… và càng nghĩ càng thấy tỉnh táo. Việc khó ngủ, mất ngủ bắt nguồn từ đó.

Chuyên gia Lê Thị Túy, Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ – Hạnh Phúc cho hay, là người già, chính bà cũng từng rơi vào trạng thái ấy, cứ ngả lưng là nghĩ ngợi lung tung, nhất là những chuyện trong quá khứ, càng nghĩ càng khó ngủ, thậm chí mất ngủ.

Theo chuyên gia Lê Thị Túy, việc người già hay nghĩ ngợi lung tung trước lúc ngủ có căn nguyên sâu xa của nó. Thực ra, so với nhiều năm trước, ngày nay, người già đã đỡ cực khổ hơn nhiều, thậm chí nhiều người già còn “sướng” vì đã có lương hưu, con cái chăm lo phụng dưỡng. Trong điều kiện như thế, lẽ ra người già phải ăn lo ngủ kỹ, ấy vậy mà lại hay nghĩ và thường mất ngủ.

Điều này là do người già có sự thay đổi cả về mặt tâm lý và sinh lý. Khi về già, nội tiết tố thay đổi khiến cho người già khó ngủ hơn, dễ mất ngủ hơn. Ngoài ra, tuổi già khiến cho người già nhạy cảm hơn, hay suy nghĩ hơn và thường là những suy nghĩ kém tích cực. Khó ngủ, nằm mà không ngủ được sẽ khiến người già nghĩ ngợi lung tung, càng nghĩ ngợi thì càng mất ngủ.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/nguoi-gia-khong-nen-nghi-nhieu-truoc-khi-ngu1.png

Ảnh minh họa.

“Rũ” hết 

Từ chính kinh nghiệm bản thân, chuyên gia Lê Thị Túy cho rằng, để tránh tình trạng cứ nằm xuống giường là nghĩ lung tung dẫn tới tình trạng khó ngủ, mất ngủ, đầu tiên, người già cần tránh suy nghĩ tiêu cực và nên nhìn mọi thứ theo hướng tích cực. Suy nghĩ tiêu cực lớn nhất của người già đấy là bệnh tật, cái chết. Tuy nhiên, người già hãy nhìn mọi thứ theo quy luật của nó, rằng có trẻ có già, có khoẻ, có yếu…

Khi người già sống thư thái, thoải mái, vui vẻ, giấc ngủ sẽ đến dễ hơn, ngủ ngon hơn. Đặc biệt, cần phải “rũ” hết mọi chuyện đằng sau cánh cửa phòng ngủ. Quá khứ dù có huyền ảo bao nhiêu, con cái có làm mình phiền muộn thế nào… đều phải “rũ” hết, thay vào đó hãy để đầu óc thư thái, buông bỏ, giấc ngủ sẽ đến nhanh và ngon.

“Để có giấc ngủ ngon, trước khi đi ngủ, tôi thường thiền. Việc thiền giúp tôi buông bỏ mọi thứ từ đó giúp thả lỏng cơ thể, ngủ ngon hơn. Ngoài ra, khi mất ngủ, thay vì lạm dụng các loại thuốc ngủ, tôi tìm đến các loại dược liệu dân gian. Cụ thể là tôi sử dụng lá vông. Giờ tôi luôn có giấc ngủ ngon”.

Chuyên gia Lê Thị Túy

BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ Bệnh viện 105 cũng khuyên, để tránh tình trạng nghĩ nhiều mất ngủ thì thứ nhất người già cần đảm bảo đi ngủ đúng giờ, tránh ngủ “vặt” vào ban ngày. Thứ hai, trước khi đi ngủ, hãy gạt bỏ mọi suy tư, âu lo, đừng để tâm trí phiêu lưu ở đâu đó. Thứ ba, đừng đặt lưng xuống giường quá sớm so với giờ đi ngủ, nhiều người già cứ ăn cơm xong là vào giường nằm rồi chưa đến giờ ngủ lại nghĩ ngợi lung tung là rất sai lầm.

Thứ tư, người già cần tránh để cơ thể phải tiếp nhận quá nhiều nhân tố kích thích trước khi ngủ. Nhiều người cao tuổi có thói quen tivi, đọc báo hoặc nghe những câu chuyện quá buồn lòng trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, những việc này khi xem những bộ phim hay đọc các bài báo quá kịch tính, nghe những câu chuyện không vui… sẽ dễ làm cho thần kinh của người già bị kích thích từ đó dẫn tới mất ngủ.

Ngoài ra, một vấn đề nữa người già cần chú ý là phải đảm bảo không gian ngủ tốt: Phòng ngủ cần ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè; chăn, ga, gối đệm phải thích hợp với cơ thể của người già…

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top