Thóc là cơ thể sống vì thế dù bảo quản tốt đến mấy nhưng để lâu thóc cũng tự phân hủy. Vì vậy, thóc không nên bảo quản lâu.
GS.VS Trần Đình Long, Hội Giống cây trồng Việt Nam, cho biết: Bảo quản thóc không quá khó nhưng nếu không tuân thủ đúng quy trình thì thóc rất dễ bị giảm chất lượng do nấm mốc, mối mọt, côn trùng… tấn công. Để bảo quản thóc, việc đầu tiên là phải đảm bảo khô. Khi thóc có độ ẩm 12-15% (tùy vào thời gian bảo quản) mới có thể đưa vào bảo quản.
Thóc có thể được làm khô bằng nhiều cách như phơi dưới nắng, trong bóng mát, phơi trên nền xi măng, sân gạch, trên nong nia, bạt nilon, tấm cót… Đây đều là phương pháp đơn giản, truyền thống phù hợp với quy mô hộ giađình. Sau khi phơi khô đến độ ẩm an toàn, quạt sạch thì tiến hành bảo quản thóc.
Trong quá trình bảo quản cần đảm bảo thóc không bị hút ẩm từ môi trường bên ngoài, không bị men mốc xâm hại, không bị côn trùng, chuột bọ… tấn công. Vì vậy, cần bảo quản thóc trong chum, vại, bồ, bịch, thùng, phi, vựa, hòm, thùng gỗ, hòm tôn…. Thậm chí để chống mốc, hút ẩm, người dân có thể sử dụng lá xoan phơi khô, vôi bột lót dưới đáy thùng và phía trên miệng thùng. Bằng cách này thóc sẽ bảo quản được lâu và tránh được việc bị hút ẩm, bị nấm mốc, sâu mọt, côn trùng tấn công.
Tuy nhiên, người dân cũng cần lưu ý hạt thóc là cơ thể sống vì thế thời gian bảo quản không nên quá lâu vì để lâu thóc sẽ tự phân hủy, giảm chất lượng.
Tốt nhất không nên để thóc lâu quá 8 tháng đến 1 năm, thông thường người dân sẽ bảo quản thóc để ăn hết trong 1 vụ (thóc của vụ mùa sẽ được bảo quản để ăn cho đến vụ chiêm, rồi từ vụ chiêm lại được bảo quản để chờ vụ mùa), thóc không ăn hết có thể dùng để nuôi gia súc, giacầm, hoặc bán chứ người dân không nên lưu cữu từ vụ này qua vụ khác.
Thu Hà