Ông Lê Đức Tiết khỏi bệnh khớp nhờ đi cầu thang bộ.
Trong họa luôn có phúc
Tôi đến thăm ông trong một chiều mùa thu nắng vàng mát rượi. Trong căn nhà tập thể tận trên tầng cao nhất, với những bậc thang dài dằng dặc, LS Lê Đức Tiết chào đón tôi hồ hởi như một người bạn thân lâu ngày mới gặp. Đứng dưới sảnh nhìn lên, ít ai nghĩ rằng căn hộ “cao tít” đó có hai ông bà năm nay đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm” lại vẫn hằng ngày đi lại thoăn thoắt.
LS Lê Đức Tiết nhớ lại: Vào đầu những năm 80 thế kỷ trước, ông được cơ quan phân cho một căn hộ ở khu tập thể này, nhà ông ở tầng 1. Lúc đó, một người bạn cũng được phân căn hộ trong khu đó được phân ở tầng cao. Vì có mẹ già nên người này xin được đổi tạm thời cho ông. Ông đồng ý. Sau này nhiều thứ thay đổi, việc trở lại ngôi nhà ban đầu được phân đó gặp khó khăn nên ông bà nhận căn hộ trên tầng cao nhất đó.
Ngay lúc về nhà mới thì ông phát hiện mình bị bệnh viêm khớp. Đi lại gót chân rất đau, đốt sống cổ cũng bị thoái hóa, cứ di chuyển là đau nhức. Đi khám, ông được chẩn đoán là mắc bệnh thoái hóa khớp. Đây là bệnh không có thuốc chữa, chỉ có cách sống chung với nó. Lúc đó ông cũng lo lắng nhiều. Nhưng rồi áp lực, căng thẳng liên tục trong công việc cũng khiến ông phải sống chung với bệnh.
“Đến khi nghỉ hưu là năm 1991, đây thực sự là giai đoạn đánh dấu bước chuyển mới trong cuộc đời tôi. Nghỉ hưu, tôi không còn thường xuyên stress nữa, mọi thứ trở nên thanh thản, nhẹ nhàng, mình làm chủ thời gian của mình, thích gì làm nấy, không thích thì chơi.
Thích đi đâu là đi đó. Và cũng kể từ đó, bệnh thoái hóa khớp dần dần biến mất. Tinh thần con người quyết định lớn lắm, người ta khỏe hay yếu là do tinh thần, sự lạc quan mang lại. Cứ rũ bỏ hết muộn phiền, sống không bon chen, không tranh giành thì tự khắc bệnh tật sẽ không tìm đến”, LS Lê Đức Tiết chia sẻ.
“Truy tìm” nguyên nhân giúp ông thoát khỏi bệnh khớp, ông nhận định, nhiều khả năng là do ông đi lại cầu thang bộ nhiều quá. Mỗi ngày ít nhất 6 lần ông đi từ tầng 5 xuống tầng 1, có ngày ông đi đến cả chục lần.
Cầu thang khu tập thể xây kiểu cũ, khá dài. Một người trẻ đi một lượt cũng cảm thấy mệt chứ chưa nói đến người già. Đến nay, cứ 6 tháng ông kiểm tra sức khỏe tổng thể một lần, bệnh thoái hóa khớp của ông đã biến mất hẳn.
85 tuổi leo núi, thanh niên theo không kịp
Hiện LS Lê Đức Tiết vẫn tham gia các công việc ở Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông là 1 trong 2 luật sư tham gia vụ kiện nạn nhân chất độc da cam, thường xuyên phải đi lại. Ông kể, vừa mới hôm qua ông đi Quảng Bình về.
Sức ông hoàn toàn có thể đi tàu, xe được, nhưng bây giờ có điều kiện rồi thì người ta thường bố trí cho ông đi máy bay. “Hôm trước tôi ra sân bay làm thủ tục, cô nhân viên ở đó bảo, bác sinh năm 1930 thì làm sao đi máy bay được. Nhưng rồi tôi bảo, tôi leo núi được thì đi máy bay đã là gì”, LS Lê Đức Tiết cười.
Tôi ngạc nhiên, ông leo núi được? Ông bảo đó là sự thật, bây giờ ông hoàn toàn có đủ sức khỏe để leo núi, mà có khi thanh niên cũng kông theo kịp ông. Bằng chứng là mới đây đi Quy Nhơn tham quan đàn tế trời của Quang Trung, ông đi băng băng một mạch lên đến nơi, trong khi đám thanh niên thì thở hổn hển theo sau.
Lịch sinh hoạt của ông hiện nay là dậy sớm từ 5h đi tập thể dục, sau đó ăn sáng, làm việc, nghiên cứu. Để giữ cho tinh thần luôn minh mẫn, cơ thể khỏe mạnh, ông không để mình rơi vào trạng thái ù lì. Ở tuổi này, ông vẫn mày mò học thêm ngoại ngữ.
Trước đây ông thông thạo tiếng Pháp, Nga, giờ ông học thêm tiếng Anh để có thể đọc được các tài liệu nghiên cứu nước ngoài. Kiến thức tích lũy được, ông viết báo, viết tham luận khoa học, hiện ông đang chuẩn bị bài tham luận về thi hành luật đất đai.
Trong suốt buổi nói chuyện với tôi, ông luôn nở nụ cười lạc quan, tươi vui. Ông bảo sống trong cuộc đời này đừng bi quan, dù có điều gì tội tệ xảy đến thì rồi nó cũng sẽ qua. Đừng gây sự với ai, cũng đừng sa đà vào thị phi. Sống buông bỏ những mỏi mệt thì bệnh tật dù có đến, cũng sẽ tìm đường mà đi.
“Cứ có bệnh là tìm đến thuốc chưa hẳn đã tốt, vì thuốc nào cũng có tác dụng phụ. Cách tốt nhất là tự rèn luyện sức khỏe, tâm trí mình thì sẽ có cuộc sống an nhiên”.
Ông Lê Đức Tiết
Phong Lâm