Ngủ cũng đau và không đi lại được
Bệnh nhân (BN) Ngô Thanh Ch. (74 tuổi, Hà Nội) bị gẫy cổ xương đùi năm 2004 đã được phẫu thuật thay khớp háng trái toàn phần, có xi măng. Sau thay khớp trong khoảng 10 năm BN đi lại tương đối bình thường, chỉ đau nhẹ. 2 năm nay BN thấy đau tại nếp bẹn và dọc đùi, đau tăng khi đi lại, nghỉ ngơi hết đau.
Gần đây, BN đau nhiều hơn, không đi lại được, đau cả khi chuyển tư thế chân trái, ngủ cũng đau. BN đã được Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai hội chẩn nhưng không điều trị. BN quá đau đớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nên gia đình đưa tới Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.
TS Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Khớp, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, đây là một ca bệnh khó và phức tạp. Tại chỗ sẹo mổ liền tốt, mềm mại, chiều dài tương đối chân trái ngắn hơn bên phải 3cm nhưng kết quả chụp phim cho thấy, khớp háng nhân tạo trái toàn phần, có xi măng, có hình ảnh tiêu, thưa xương và đường thấu quang quanh cả ổ cối và xương đùi, chuôi khớp lún sâu, xét nghiệm hs-CRP và máu lắng trong giới hạn bình thường.
Điều đáng lo ngại là khớp bị lỏng, hỏng nhưng xi măng ngoài bám vào khớp còn bám chắc vào nền xương thưa yếu xuống tận gần gối. Tuy nhiên, đứng trước tình trạng BN vẫn còn khỏe, thể trạng tốt, các bác sĩ đã quyết định đưa ra phương án điều trị: Thay lại khớp háng trái toàn phần, không xi măng.
Hình ảnh khớp hỏng và tiêu xương trước khi thay.
Tỷ mỷ bóc xi măng và thay khớp chuôi dài cố định xương yếu
Ngày 11/10, kíp mổ gồm TS Nguyễn Quốc Dũng, BS Phùng Văn Tuấn, Nguyễn Tiến Thành và Đỗ Đức Chung, đã tiến hành thay lại khớp háng trái cho BN.
Theo TS Nguyễn Quốc Dũng, đây là một ca mổ rất khó khăn và phức tạp. Bởi ngoài đối diện với vấn đề thay lại khớp, do khớp thay kỳ đầu là loại khớp toàn phần có xi măng, đặc biệt là khối xi măng ở đoạn 1/3 giữa, dưới xương đùi rất khó lấy, do xương thưa nên dễ gãy xương trong khi phẫu thuật.
Hơn nữa, việc thay khớp cũng rất khó khăn. Do đoạn 1/3 trên xương đùi của BN bị tiêu, thưa xương nên ngay từ đầu kíp phẫu thuật đã phải chọn loại khớp cán dài, cố định ở đoạn 1/3 giữa – dưới ống tủy thân xương đùi, do ổ cối thưa, khuyết xương nên có kế hoạch dùng socket (rọ) ổ cối.
Dù từ đầu đã lập kế hoạch mổ, chuẩn bị từng chi tiết, phối hợp nhiều bộ phận, đặc biệt kíp gây mê hồi sức có nhiều kinh nghiệm nhưng khi phẫu thuật lại khó khăn hơn rất nhiều. Ổ cối khớp mòn, chuôi xoay tròn nhưng xi măng lại bám chắc không lấy được. Kíp phẫu thuật đã phải tiến hành mở cửa sổ xương ở đoạn 1/3G xương đùi mới tỷ mỷ bóc tách được hết xi măng.
Hình ảnh khớp sau thay.
Khi thay khớp, xương ổ cối thưa nên phải dùng rọ đường kính 52mm, chuôi xương đùi dài 360mm, dùng dây thép buộc tăng cường cố định mảnh xương mở cửa sổ. Máu chảy nhiều, BN phải chuyển 750ml.
Sau 4,5 giờ căng thẳng, BN đã được thay khớp có chuôi dài 33cm thành công. Sau 10 ngày BN ra viện trong tình trạng: Không sốt, mạch huyết áp ổn định, tự chống nạng đi lại được, đau nhẹ tại khớp háng, ổ mổ khô, không nóng đỏ, vận động cổ, bàn chân tốt.
TS Nguyễn Quốc Dũng cho biết, trước đây với những BN này chắc chắn sẽ không thay lại được khớp, BN sẽ phải chịu tàn phế và đau đớn cả đời còn lại vì không có khớp chuôi dài phù hợp để làm chắc đoạn xương đã yếu.
Với loại khớp đặc biệt mới gồm 3 phần: Khớp háng thông thường + 1 phần chuôi 33cm đóng trong lòng ống tủy xuống đến hết ống tủy vít chốt giống như đinh nội tủy sử dụng trong gãy đoạn xương dài và đặc biệt có phần mấu chốt bên ngoài có thể chỉnh độ dài cho phù hợp với đoạn xương bị yếu. Loại khớp mới này sẽ là cứu cánh cho các BN bị thay lại khớp háng.
TS Nguyễn Quốc Dũng khuyên, tuổi thọ khớp nhân tạo là có giới hạn, trong khoảng 15 – 25 năm. Tại Việt Nam, thay khớp háng nhân tạo đã phát triển trong khoảng 20 năm gần đây, vì vậy, các BN cần chú ý khi thấy đau khớp đã thay cần khám lại, tránh để lâu gây hỏng xương khó khăn trong thay khớp mới.
Thúy Nga