Ông Dũng tham gia Liên hoan văn nghệ Hội người cao tuổi phường.
Thích ca hát quên mệt nhọc
Tốt nghiệp trường Trung cấp xây dựng, ông được phân công về đảm nhiệm công tác kỹ thuật tại Công ty xây dựng Dân dụng Hà Nội.
Ông kể, những năm 60-70 của thế kỷ trước, Hà Nội có rất nhiều công trình xây dựng phục vụ cho nhu cầu nhà ở như khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự…và những công trình đó đều có sự tham gia đóng góp nhiều công sức của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty xây dựng Dân dụng.
Để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra, có những thời điểm phải làm thêm giờ, thêm ca khá căng thẳng. Nhằm giải tỏa áp lực công việc, ban Giám đốc và Công Đoàn công ty chỉ đạo thành lập Đội văn nghệ xung kích do ông làm đội trưởng đem lời ca tiếng hát đến phục vụ công nhân lao động tại các công trình thông qua hệ thống loa truyền thanh nội bộ.
Thấp thoáng ánh đèn dưới bóng cây, những công trình không ngừng vươn cao bởi bàn tay những người thợ áo xanh thấm đẫm mồ hôi mà miệng luôn tươi cười nhẩm theo lời hát “Bài ca xây dựng” tạo nên không khí làm việc thoải mái vui vẻ, quên đi vất vả mệt nhọc.
Ông tâm sự: “Ca hát có vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết nội bộ. Thông qua sự giao lưu chia sẻ mà mọi người gần và hiểu nhau hơn tạo nên sức mạnh tập thể có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách”.
Làm công tác xã hội vừa khỏe vừa vui
Nghỉ hưu về địa phương vẫn còn nguyên “máu” say mê văn nghệ, thích ca hát nên ông đăng ký tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ “Tiếng hát người cao tuổi” của Hội người cao tuổi phường Vĩnh Tuy. Đến kỳ đại hội, ông được hơn 150 hội viên tín nhiệm cao bầu làm Chi Hội trưởng Người cao tuổi địa bàn dân cư số 3 liên tục đến nay. Ông cùng tập thể Ban chấp hành đến từng nhà tuyên truyền vận động mọi người gia nhập Hội, dành nhiều thời gian thăm hỏi nắm bắt tình hình hội viên, thành lập tổ văn nghệ do ông trực tiếp phụ trách và vận động hội viên tham gia…
Ông chia sẻ, làm công tác xã hội là phải gần gũi với bà con khối phố để sẻ chia, cảm thông giúp mọi người hòa nhập và hoạt động văn hóa văn nghệ cũng là một trong những phương tiện hữu hiệu. Thực tế đã diễn ra khi sự hiểu nhầm giữa hai hội viên được giải tỏa sau khi nghe bài hát “Giận thì giận mà thương thì thương” trước buổi sinh hoạt Chi hội định kỳ. Những điều đó đã làm cho ông thấy vui, từ đó mà phấn chấn, yên tâm hơn với “việc hàng tổng”.
Công việc ở nhà của ông, mỗi sớm đi bộ quanh khu vực khối Liên cơ gần nhà, về leo lên leo xuống 4 tầng gác dọn dẹp, tưới tắm chăm bẵm vườn rau, cây cảnh…trên sân thượng rồi phụ giúp “bà xã” bán hàng ăn sáng phục vụ bà con khối phố, dành thời gian đưa đón cháu đi học và những khi rỗi rãi lại truyền cảm hứng thích ca hát cho các cháu, cùng các cháu tập hát làm “vốn” để mang đến giao lưu với các bạn ở lớp, ở trường.
Cẩm Yên (Hà Nội)