Ông Lê Văn Rạch (thứ 4 phải sang) trong một chuyến tham quan.
Từ cán bộ kiêm nhiệm đến chuyên trách công tác Đoàn thanh niên
Ông gia nhập quân đội khi đang học lớp 10 phổ thông vào năm 1972 và được biên chế vào đơn vị pháo cối 120mm thuộc D14, F325. Thời gian huấn luyện ở tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang) vốn tính hoạt bát, nhanh nhẹn, chàng tân binh cao ráo trắng trẻo đất Gia Lâm được anh em tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Đoàn thanh niên đại đội phụ trách công tác văn nghệ-thể thao.
Ông tâm sự: “Những ngày hành quân di chuyển vào chiến trường thực sự là những thử thách ghê gớm. Ngoài ba lô cá nhân, 4 chiến sỹ khiêng nòng, 4 chiến sỹ khiêng bàn đế và 2 chiến sỹ khiêng giá đỡ pháo, trong đó nòng pháo là nặng nhất nên phải đổi nhau theo từng chặng để bảo đảm sức khỏe hành quân qua đèo dốc núi rừng Trường Sơn. Mệt là thế nhưng lúc nghỉ giải lao, ông lại động viên tinh thần đồng đội với những bài hát truyền thống của quân đội như “Vì nhân dân quên mình”, “Giải phóng Miền Nam”, “Hành quân xa”…
Nếp văn nghệ hát hò vẫn được duy trì ở chiến trường Quảng Trị và đơn vị ông coi đó là món ăn tinh thần không thể thiếu. Giữa 2 trận đánh, trong những căn hầm dã chiến lại vọng ra những lời ca chiến đấu, những vần thơ hào sảng động viên tinh thần anh em đồng đội.
Giải phóng miền Nam, sau 3 năm làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa, ông được chuyển ngành về làm chuyên trách công tác Đoàn tại Công ty Vật liệu kiến thiết Hà Nội rồi sau đó là Công ty Lương thực huyện Gia Lâm. Làm cán bộ chuyên trách nên ông có điều kiện thời gian toàn tâm toàn ý vào xây dựng phong trào, đưa hoạt động công tác Đoàn của cơ quan luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn ngành.
Nghỉ hưu vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội
Về địa phương, ông tiếp tục tham gia công tác Cựu chiến binh, hội Người cao tuổi, ban quản lý chăm sóc hoạt động hè cho các cháu thiếu niên nhi đồng ở địa bàn dân cư.
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động và sẵn niềm đam mê khi không bị ràng buộc bởi những công việc chuyên môn như khi còn đương chức, ông đề xuất chương trình nội dung hoạt động phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương trong từng giai đoạn cụ thể nên từng bước xây dựng và duy trì được phong trào thường xuyên, dần đưa những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trở thành một nhu cầu của nhân dân và các hội viên trên địa bàn.
Ông chia sẻ: “Làm công tác phong trào có nhiều cấp độ. Nếu túc tắc mà làm thì cũng được nhưng sẽ không bền. Còn nếu làm thật thì nhiều khi việc sẽ bấn lên như con mọn và cũng phải rèn luyện tính kiên trì, bù lại sẽ có những được kết quả như mong muốn.
Làm phong trào cũng góp phần rèn giũa tính cách vui vẻ, hòa đồng bởi nếu không thì sẽ không gần gũi, hòa nhập được với mọi người. Không những thế, hoạt động phong trào còn tạo ra tác phong nhanh nhẹn, duy trì thể chất giúp ngăn ngừa được nguy cơ gây bệnh, nhất là khi tuổi ngày một cao. Có lẽ vì vậy mà tôi ít khi bị ốm vặt”.
Hàng ngày ông dành thời gian đưa đón các cháu nội đi học. Ngoài giờ học, ông hướng cháu vào các hoạt động ngoại khóa như đi thư viện đọc sách, tập hát, chơi cờ tướng, cầu lông…cùng với ông, dần tạo nên ý thức tự giác lúc chơi cũng như lúc học. Ông cũng dành thời gian đi tham quan du lịch, giao lưu gặp gỡ đồng đội cũ, thăm lại chiến trường xưa và động viên nhau tiếp tục phát huy bản chất người lính trong cuộc sống thường ngày.
Khúc Văn Quý (Hà Nội)