Ông là Đại tá quân đội, thương binh Nguyễn Minh Hiển 76 tuổi ở số 32B phố Hoàng Sâm, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Vợ chồng ông Hiển trên đỉnh Mẫu Sơn, Lạng Sơn.
“Miền Đông gian lao mà anh dũng”
Ông tâm sự “Mỗi khi nghe bài hát “Nhạc Rừng” của nhạc sỹ Hoàng Việt và bài “Tình đất đỏ miền Đông” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn là ông lại bùi ngùi xúc động nhớ về những năm tháng gắn bó với những người dân luôn tìm cách bao bọc chở che cho bộ đội, với đội nữ du kích khăn rằn quàng cổ hiền lành dũng cảm cùng với đồng đội ngày đêm chiến đấu chống quân thù trên mặt trận B2 nóng bỏng của miền Đông Nam Bộ.
Học hết phổ thông ông xung phong gia nhập quân đội. Sau một thời gian huấn luyện cơ bản, ông được bổ sung vào lực lượng đặc công và hành quân gần một tháng đi bộ dọc dãy Trường Sơn để nhập vào đội hình đơn vị chiến đấu của bộ đội địa phương thuộc Bộ tư lệnh miền. Mới vào miền đất mới nên ông và một số anh em không tránh khỏi những cơn sốt rét rừng, bệnh ngoài da… nhưng cũng nhanh chóng thích nghi với vùng miền Đông đất đỏ cùng những cánh rừng mênh mông chở che từng con nước đỏ trên hệ thống kênh rạch chằng chịt.
Được sống và chiến đấu nhiều năm trên vùng đất ấy, ông và đồng đội đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân nói chung và lực lượng du kích nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Chả ai tránh được bệnh tật và khi có bệnh thì chữa”
Ông vẫn thường chia sẻ với mọi người như vậy. Hơn 40 năm phục vụ quân đội, ông nghỉ hưu mang nhiều bệnh tật và vết thương làm mẻ một miếng xương cột sống. Căn bệnh nguy hiểm nhất làm ông phải thường xuyên đến bệnh viện là suy động mạch vành và viêm đa khớp. Ngoài ra ông còn bị bệnh xơ vữa động mạch, thần kinh tọa, tăng huyết áp…
Vì nhiều bệnh nên ông phải thường xuyên có mặt ở quân y viện 108 và xuất hiện nhiều đến nỗi các bác sỹ cũng đều “biết mặt, nhớ tên”. Ông bảo, mỗi tháng, ông phải dành từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng để mua thêm thuốc uống, cũng may Nhà nước cho lương hưu đủ để mua. Nếu không chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bệnh là thế nhưng ông không bỏ một hoạt động nào của hội Cựu chiến binh, hội Người cao tuổi ở khu dân cư. Ông chơi cầu lông ở Trung tâm thể thao Ba Đình, hội viên bộ môn thơ ở Câu lạc bộ Thăng Long Hà Nội và cùng vợ đi tham quan du lịch ngắn ngày thăm thú những danh lam thắng cảnh của đất nước.
Ông chia sẻ, hơn 12 năm tham dự gần trăm trận đánh lớn nhỏ ngày đêm đối mặt với kẻ thù ở chiến trường còn không sợ, thì vài “cái bệnh lẻ” đáng sợ gì. Có bệnh thì phải chữa. Điều quan trọng là chớ nên bi quan chán nản mà phải vui vẻ, phải lạc quan mà sống.
Khúc Văn Quý (Số 92, ngõ 349 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội)