Ông Hồng (phải) trong buổi tập viết thư pháp.
Tiếng hát át khó khăn, tinh thần thêm vững
Tốt nghiệp cấp 3 phổ thông, năm 1963 ông vào học khoa Chế tạo máy Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hưởng ứng phong trào “Sinh viên viết đơn tình nguyện ra chiến trường”, năm 1965, ông gia nhập quân đội và được biên chế vào E88, F308.
Thời gian huấn luyện vào Nam chiến đấu (đi B) gặp rất nhiều khó khăn gian khổ đòi hỏi mỗi tân binh phải xác định luôn vững vàng về tư tưởng bởi nếu không thì sẽ không thể vượt qua được chính mình.
Một cơ thể khỏe mạnh phải luôn có tinh thần vững vàng, nên ngoài chương trình hành quân rèn luyện, học chính trị còn có những hoạt động văn nghệ thể thao. Vốn có giọng hát hay và thuộc nhiều bài hát nên ông được tín nhiệm bầu là “quản ca” đại đội.
Những ngày hành quân trên đường Trường Sơn tối nghỉ trên “bãi khách”, ông lại tập cho anh em những bài hát truyền thống mở đầu buổi sinh hoạt, giúp mọi người quên đi mệt nhọc, động viên nhau vượt qua những dốc đèo khúc khuỷu.
Ông kể: “Trong một trận chiến ở Hải Lăng, Quảng Trị, khi địch ào ạt tấn công lên chốt bỗng cất lên giọng ca hào sảng của một chiến sỹ: “Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng/Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng…” thế là cả trung đội bật khỏi chiến hào xả đạn vào đội hình địch buộc chúng phải rút lui”.
Năm 1968, Cục Chính sách có văn bản gọi ông ra học tiếp đại học vì bố ông là liệt sỹ, 2 em ông đang chiến đấu ở nước bạn Lào. Vì thế mà không được gặp lại người chiến sỹ ấy.
Học xong đại học, ông về làm việc tại xưởng Cơ khí công ty Dệt 8/3 Hà Nội. Phong trào văn nghệ của xưởng khá mạnh và ông là một trong “bộ” tam ca nổi tiếng gồm Quang Thiều-Phi Hồng-Văn Đức, “bộ” tam ca cũng là nòng cốt của đội văn nghệ công ty mỗi khi tham dự hội diễn văn nghệ cấp quận, thành phố hoặc Cụm Văn hóa-Thể thao Minh Khai.
Còn sức cấy lúa trồng rau đủ ăn cho cả nhà
Gặp ông ở Hội quân ngũ E88 quận Hoàng Mai, tuy đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng dáng dấp vẫn nhanh nhẹn trong bộ quân phục gọn gàng. Ông cùng ban liên lạc tổ chức một chương trình văn nghệ nhiều ý nghĩa với các bài hát truyền thống như “Vì nhân dân quên mình”, “Giải phóng miền Nam”… Những bài hát đã và đang gắn kết đồng đội thành một khối thống nhất, nâng cao sức mạnh tinh thần đủ sức vượt qua mọi gian khổ.
Ông là thành viên trong ban lãnh đạo Chi Hội cựu chiến binh, Chi Hội người cao tuổi khu dân cư và vẫn giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào văn nghệ ở địa phương.
Ngoài công tác xã hội, ông cùng vợ cấy lúa 1 năm 2 vụ trên thửa ruộng hơn 4 sào tự lo đủ gạo cho ông bà, vợ chồng con trai, con gái và 7 cháu nội, ngoại ăn quanh năm. Ông bà còn chăm bẵm hơn 1 sào đất vườn trồng rau, mùa nào thức ấy bảo đảm rau an toàn, giảm được nỗi lo con cháu phải ăn rau “bẩn”.
Ông tâm sự: “Mình là con nhà nông, có đất có vườn thì nên chịu khó cấy trồng vừa làm lụng khỏe người lại vừa có gạo, có rau ăn. Vậy thì hà cớ gì mà không làm ông nhỉ”.
Ông thu xếp học lớp thư pháp Hán-Nôm để hiểu thêm về nền văn học quá khứ của cha ông. Bận là thế nhưng tối tối ông vẫn dành thời gian cùng bà đi bộ thư giãn hoặc tập lại mấy bài hát truyền thống thời quân ngũ trong phòng Ka-ra-ô-kê gia đình chuẩn bị cho chương trình giao lưu văn nghệ của chi Hội cựu chiến binh và người cao tuổi.
Ông chia sẻ: “Với người cựu chiến binh, khúc quân hành còn vang vọng mãi”.
Văn Quý (Hà Nội)