Tăng huyết áp gây lóc tách động mạch chủ

(khoahocdoisong.vn) - 70 – 80% lóc tách động mạch chủ (ĐMC) tử vong trong 2 tuần đầu. Có nhiều nguy cơ gây bệnh nhưng tăng huyết áp và tuổi là yếu tố thường gặp nhất.

Bệnh đa dạng dễ nhầm với bệnh cảnh cấp cứu khác

GS.TS Lê Ngọc Thành, Chủ tịch Hội phẫu thuật tim mạch, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, lóc tách ĐMC (tách thành ĐMC) hay gặp ở độ tuổi từ 60 – 70, tỷ lệ tử vong khoảng 1% mỗi giờ trong 48 giờ đầu. Triệu chứng bệnh thường đa dạng dễ nhầm với bệnh cảnh cấp cứu khác (đau ngực, ngất, tai biến mạch máu não, liệt hai chi, ngừng tim…), cần chú ý nghi ngờ mới có thể chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh những biến chứng gây tử vong.

Vị trí tách thành ĐMC hay gặp nhất là ĐMC lên (chỗ lồi, vùng cao trên các xoang vành phải và xoang không vành khoảng 1 – 2 cm, chiếm khoảng 60 – 65%), ĐMC xuống – chỗ xuất phát (ngay dưới chỗ xuất phát của động mạch dưới đòn trái 20%), quai ĐMC 10%, còn lại ở động mạch bụng hoặc điểm nối (xung yếu) giữa những vùng cố định và di động của ĐMC.

Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh, theo GS.TS Lê Ngọc Thành là do giãn ĐMC hoặc tăng huyết áp gây rạn nứt nội mạc lòng mạch, sau đó máu sẽ thấm qua vết nứt. Dưới tác dụng của áp lực tuần hoàn theo nhịp đập, dòng máu thấm vào sẽ tách rời các lớp của thành ĐMC. Một số ít trường hợp còn lại liên quan với các yếu tố làm yếu thành mạch, dễ gây nên tách thành ĐMC như hội chứng Marfan (biến dị nhiễm sắc thể làm thay đổi tổng hợp polypeptide).

Các yếu tố nguy cơ hay gặp của tách thành ĐMC gồm: Tăng áp lực lên thành ĐMC (tăng huyết áp, giãn ĐMC, van ĐMC một hoặc hai lá, hẹp eo ĐMC, thiểu sản quai ĐMC, do thủ thuật, phẫu thuật với ĐMC: dụng cụ thông tim, bóng ĐMC, vị trí phẫu thuật tim (đặt canuyl, kẹp ĐMC, nối mảnh ghép…) và giảm sức chịu tại của ĐMC (tuổi già, thoái hóa lớp giữa, hội chứng Marfan, Noonan, Turner, viêm động mạch tế bào khổng lồ, thai nghén…). Trong số các yếu tố nói trên thì tuổi và tăng huyết áp không kiểm soát tốt là hai yếu tố nguy cơ thường gặp nhất. Thai nghén làm tăng nguy cơ của phình tách ĐMC: 50% biến cố xảy ra ở tuổi < 40, trong 3 tháng cuối hoặc giai đoạn sau đẻ. Nguy cơ càng cao ở phụ nữ có hội chứng Marfan và giãn gốc ĐMC từ trước.

Phình tách động mạch chủ

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội nhấn mạnh, THA thường dẫn tới các biến chứng ở não, tim và thận nhưng cũng cần chú ý đến các biến chứng ở động mạch chủ là: Phình động mạch chủ bụng và phình tách động mạch chủ.

Phình động mạch chủ bụng: Tỷ lệ bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng ngày càng tăng lên do số người già có mang các yếu tố nguy cơ tim mạch từ thời trung niên ngày càng gia tăng. THA là một trong các yếu tố nguy cơ chính gây phình động mạch chủ bụng. Có sự liên quan giữa chỉ số huyết áp và tăng tỷ lệ mắc phình động mạch chủ bụng: khoảng 3% những người có tăng huyết áp nhẹ có tuổi từ 60 – 75 bị phình động mạch chủ bụng trong khi tử lệ này 11% ở những người có huyết áp tâm thu > 195mmHg. Do vậy, siêu âm động mạch chủ bụng cần thực hiện cho các bệnh nhân nam giới > 65 tuổi có THA, hút thuốc lá. Phình động mạch chủ có đường kính > 5 cm cần can thiệp sữa chữa.

Phình tách động mạch chủ: Có tới 80% bệnh nhân bị phình tách ĐMC có THA. Cơ chế gây phình tách ĐMC bao gồm kết hợp cả tác động của sóng mạch tăng và tiến triển của vữa xơ động mạch. HA tăng thì bệnh nhân có nguy cơ bị phình tách ĐMC càng cao.

Phình tách ĐMC có thể ở ĐMC lên (đoạn gần hay týp A), loại này cần phẫu thuật, hay ĐMC xuống (đoạn xa hay typ B), loại này thường chỉ cần điều trị nội khoa. THA là nguyên nhân thường gặp nhất gây phình tách ĐMC đoạn xa.

Nhật Hà

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top