Phụ nữ đau cổ vai cẩn thận bệnh động mạch vành

Phụ nữ cũng có nguy cơ bị bệnh động mạch vành (ĐMV) nhất là sau khi mãn kinh. Điều đáng nói bệnh mạch vành cấp ở phụ nữ thường gây chết đột ngột trong khi triệu chứng rất mơ hồ, có thể có những biểu hiện của những cơn đau khác như đau ở cổ, vai, vùng dạ dày…
động mạch vành

Ảnh minh họa

2/3 chết đột ngột không có dấu hiệu báo trước

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện tim mạch quốc gia cho biết, nhiều người sai lầm cho rằng, bệnh ĐMV là bệnh của đàn ông” nhưng sự thực nữ giới cũng hoàn toàn có thể mắc bệnh động mạch vành. Tại nước có nền Y học phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở nữ giới lại chính là bệnh động mạch vành.

Sau khi mãn kinh, nguy cơ bị bệnh ĐMV ở nữ giới sẽ gia tăng. Ở độ tuổi 50, người phụ nữ sẽ đối mặt với sự gia tăng 46% nguy cơ bị bệnh mạch vành và 31% nguy cơ có thể tử vong do bệnh này. Còn ở tuổi 75, nguy cơ bị bệnh ở nữ lúc này là ngang bằng với nam giới.

Các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch gia tăng sau độ tuổi mãn kinh bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, béo phì, lối sống tĩnh tại, ít vận động,…

Đặc điểm cần lưu ý là triệu chứng bệnh mạch vành cấp ở phụ nữ thường mơ hồ làm rất khó khăn trong chẩn đoán, gần 40% là không có triệu chứng đau ngực, và thường có thể có những biểu hiện của những cơn đau khác như đau ở cổ, vai, vùng dạ dày, nhịp thở gấp, nôn mửa, đổ mồ hôi, hoa mắt chóng mặt hoặc những sự mệt mỏi khác dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Mặt khác 2/3 bệnh mạch vành ở phụ nữ thường chết đột ngột không có dấu hiệu báo trước.

Ngoài ra, một đặc tính có tính cách truyền thống của phụ nữ Á đông là luôn có tính chịu đựng, chịu thương, chịu khó, luôn hết mình lo cho chồng, cho con, cho gia đình hơn là cho chính bản thân mình nên dẫn đến khi phát hiện bệnh thì thường đã nặng. Đa số phụ nữ khi phát hiện các bệnh lý nguy cơ tim mạch không điều trị sớm, thậm chí ngay cả khi lên cơn đau, vẫn có khuynh hướng lưỡng lự do dự chần chừ không đi cấp cứu sớm.

3 dạng bệnh lý thường gặp của bệnh ĐMV

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, bệnh ĐMV rất nguy hiểm thường bao gồm 3 dạng bệnh lý như sau:

Đau thắt ngực ổn định: là tình trạng không có những diễn biến nặng lên bất ổn của cơn đau thắt ngực trong vòng vài tuần gần đây. Với đau thắt ngực ổn định thì tình trạng lâm sàng thường ổn định, cơn đau thắt ngực ngắn, xảy ra khi gắng sức, đỡ khi nghỉ và đáp ứng tốt với các thuốc nhóm Nitrates. Đau thắt ngực ổn định thường liên quan đến sự ổn định của mảng xơ vữa.

Đau thắt ngực không ổn định: là tình trạng bất ổn về lâm sàng, cơn đau thắt ngực xuất hiện nhiều và dài hơn, xảy ra cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi và cơn đau ít đáp ứng với các Nitrates. Cơn đau này thường liên quan đến tình trạng bất ổn của mảng xơ vữa động mạch vành. Đau thắt ngực không ổn định có thể dẫn tới Nhồi máu cơ tim hoặc ổn định lại để thành đau thắt ngực ổn định.

Nhồi máu cơ tim: là tình trạng bị tắc hoàn toàn ĐMV một cách nhanh chóng gây hoại tử vùng cơ tim phía sau phần nuôi dưỡng của đoạn ĐMV bị tắc. Về cơ chế gây nhồi máu cơ tim cũng giống phần nào so với cơn đau thắt ngực không ổn định là do sự nứt vỡ của mảng xơ vữa và gây huyết khối bịt tắc hoàn toàn ĐMV.

 Vì vậy, khi có các triệu chứng trên cần đi khám bác sĩ để làm các xét nghiệm cần thiết chẩn đoán bệnh nhe: Điện tâm đồ, xét nghiệm máu, siêu âm tim, nghiệm pháp gắng sức…

Nhật Hà

Theo Đời sống
back to top