Bệnh động mạch chi dưới.
Dễ nhầm với đau xương khớp tuổi già
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Viện tim mạch quốc gia cho biết, bệnh động mạch ngoại biên (ĐMNB) thuộc về bệnh tim mạch nhưng hay bị chẩn đoán nhầm. Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh động mạch chi dưới là cảm giác chuột rút ở vùng đùi, hông và bắp chân xuất hiện khi đi bộ, trèo cầu thang hoặc khi gắng sức. Triệu chứng này đỡ hoặc hết khi được nghỉ ngơi dù chỉ vài phút.
Nhiều người cho rằng, đau chân là một triệu chứng thường gặp ở người già, cho rằng đó là triệu chứng của viêm khớp hay đau dây thần kinh toạ hay hiện tượng cứng khớp ở người già. Đau chân do bệnh ĐMNB thường xuất hiện ở cơ (như cơ bắp chân) chứ không phải ở khớp. Khi có các triệu chứng: Đau chân không đỡ khi nghỉ ngơi; Vết thương ở ngón chân hay bàn chân khó lành; Hoại tử bàn chân, ngón chân; Chân bên bị bệnh lạnh hơn chân lành hoặc lạnh hơn so với các phần chi phía trên… là bệnh đã nặng.
Kiểm soát yếu tố nguy cơ để tránh bệnh
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho biết, ĐMNB dưới hay gặp nhất là do nguyên nhân xơ vữa mạch máu. Các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được và các yếu tố không thể thay đổi được.
Các yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát được bao gồm tuổi, tuổi càng cao, nguy cơ xơ vữa mạch máu càng nhiều, người già từ 60 tuổi trở nên có tỉ lệ mắc bệnh động mạch chi dưới cao hơn. Yếu tố thứ hai là tiền sử gia đình bị bệnh lý mạch máu ngoại biên hay bệnh tim mạch, đột quỵ. Những người này có nguy cơ xơ vữa mạch cao hơn. Yếu tố thứ 3 là giới, giới nam thường có nguy cơ xơ vữa mạch máu cao hơn nữ.
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đối được bao gồm:
– Hút thuốc lá: Đây là nguy cơ chính của bệnh ĐMNB. Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị bệnh ĐMNB sớm hơn khoảng 10 năm những người không hút thuốc.
– Béo phì làm tăng nguy cơ lắng đọng mỡ dư thừa vào thành mạch (bệnh xơ vữa mạch máu), làm tăng tỉ lệ mắc bệnh.
– Rối loạn mỡ máu: Làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch (do tăng lắng đọng chất béo ở thành động mạch).
– Bệnh tiểu đường: Tiểu đường là yếu tố nguy cơ độc lập gây bệnh lý ĐMNB. Người bệnh mắc tiểu đường thường có lớp nội mạc mạch cũng dễ bị tổn thương làm tăng nguy cơ lắng đọng mỡ dư thừa vào thành mạch, thành mạch dễ bị xơ hóa, gây tổn thương mạch máu từ các vi mạch nhỏ đến các mạch máu lớn. Bệnh ĐMNB ở người đái tháo đường thường nặng hơn, tổn thương nhiều vị trí, và khả năng điều trị can thiệp thấp hơn nhóm bệnh nhân khác.
– Bệnh tăng huyết áp: áp lực trong thành mạch tăng lên có thể gây tổn thương thành mạch và gây lắng đọng các chất mỡ vào thành mạch gây xơ vữa mạch máu
– Lười vận động thể lực: Hoạt thể lực thường xuyên làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, nó cũng làm tăng độ dài quãng đường mà người bị bệnh ĐMNB có thể đi mà không bị đau chân. Chương trình tập luyện thể lực có giám sát là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân bị bệnh ĐMNB.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng chia sẻ, các yếu tố nguy cơ của bệnh ĐMNB cũng giống như các bệnh lý tim mạch khác. Phần lớn các yếu tố này đều có thể được kiểm soát. Vì vậy, để phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả, cần kiểm soát đầy đủ các yếu tố nguy cơ.
Hà Tường