Bệnh viện FV: Cứu sống bệnh nhân phình động mạch chủ ngực to hiếm gặp

Khoa Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện FV đã phẫu thuật thành công ca phình động mạch chủ ngực nguy hiểm, kịp thời cứu sống bệnh nhân bằng phương pháp đặt stent graft.

ThS.BS Lương Ngọc Trung, khoa Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện FV đang tư vấn cho người bệnh.

Bệnh nhân là ông Lê Việt Hải, (62 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) được chẩn đoán bị phình động mạch chủ ngực.

Các BS FV phát hiện một đoạn động mạch chủ ở ngực của ông đã phình to… như bắp chân với đường kính bất thường, lên đến 82mm, gấp 3 lần kích thước bình thường của động mạch chủ mặc dù ông trông khỏe mạnh, vẫn chơi cầu lông hằng ngày và không hề có bất kỳ triệu chứng đau đớn gì.

Tình trạng này, theo nhận định của các BS là cực kỳ nguy hiểm bởi nó giống như “quả bom đã được rút chốt”, có thể nổ bất cứ lúc nào và kết thúc mạng sống của bệnh nhân.

Bệnh nhân được các BS khoa Phẫu thuật Mạch máu, BV FV mổ nội soi, đưa stent vào chỗ bị phình để chịu lực thay cho đoạn động mạch đã bị mỏng và yếu. Ca phẫu thuật diễn ra trong 3 giờ, đầy căng thẳng vì nguy cơ vỡ túi phình lẫn tính chất phức tạp kèm theo: động mạch chủ có đoạn gấp khúc đến 90 độ, khiến việc đưa stent vào rất khó khăn.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được xuất viện sau 6 ngày. Trước khi xuất viện, ông Hải vui mừng cho biết: “Bản thân không chịu nhiều đau đớn sau mổ và có thể đi lại ngay sau đó, sức khỏe hồi phục nhanh chóng, được các BS, điều dưỡng chăm sóc tận tình”.

ThS.BS Lương Ngọc Trung, khoa Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện FV – người trực tiếp phẫu thuật bệnh nhân Hải chia sẻ: “Khi động mạch chủ phình, có đường kính 55mm là đã có chỉ định loại bỏ túi phình tuyệt đối. Đến mức 82mm thì rất nguy hiểm vì nguy cơ vỡ túi phình rất cao. Đặc biệt, việc động mạch bị gấp khúc, khi phẫu thuật, nếu không thao tác khéo léo, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể làm vỡ túi phình”.

 Theo ThS.BS Ngọc Trung, triệu chứng của phình động mạch chủ ngực bao gồm đau lưng, đau ngực, có trường hợp khàn tiếng, khó thở. Tuy nhiên, cũng có khi bệnh nhân không hề có triệu chứng gì. Tầm soát bệnh lý mạch máu định kỳ là phương pháp hữu hiệu nhất để phát hiện và xử lý kịp thời bệnh lý phình động mạch chủ.

Hương Giang

Theo Đời sống
Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Dị vật đường ăn rất nguy hiểm, có thể gây tắc nghẽn, nuốt đau, nuốt khó, không ăn uống được cho bệnh nhi, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng tạo ổ mủ trong thực quản nếu dị vật bị sót lại.
back to top