Hình minh họa
Nhìn sang giường bên lại thấy một bà cởi trần, cũng toàn ống với dây. Thật ái ngại quá đi mất. May là ngay sau đấy cô y tá trực vào đuổi hết khách ra, mỗi bệnh nhân chỉ để một người nhà ở lại trông.
Cái giọng cô y tá thì đến là khó nghe, nhưng tôi lại thấy nhẹ cả người. Vì đứng trong phòng bệnh như thế thật không nên.
Thứ nhất là bệnh nặng, người bệnh cần được nghỉ ngơi, đằng này khách khứa vào đông, chuyện trò đến phát mệt. Thứ nữa là phòng bệnh cần giữ vệ sinh, vô trùng, cứ người ra người vào như thế làm sao giữ được.
Nhưng khổ nỗi, người Việt Nam mình có cái nếp, cứ nghe người ốm là rồng rắn nhau đến thăm. Vừa sinh xong cũng vào thăm. Vừa mổ xong cũng vào thăm. Có khi đi cả một đoàn, như biểu dương lực lượng vậy.
Hình như có vào tận nơi thăm thì mới thấy khỏi áy náy, mới thấy mình làm tròn bổn phận. Trong khi người ốm rất cần nghỉ ngơi, thậm chí cách ly với môi trường bên ngoài để tránh nhiễm khuẩn.
Thăm hỏi, chia sẻ với người ốm đau là một nét đẹp, một việc nên làm. Nhưng cũng nên làm thế nào cho khéo, cho phù hợp, chứ không nhất thiết cứ phải kéo nhau đến bệnh viện, vào tận phòng bệnh như vậy.
Có những trường hợp bệnh nhân phải nằm viện lâu ngày, buồn, mong có người đến chơi, thì có thể một hai người vào thăm, ngồi trò chuyện.
Còn với những trường hợp bệnh nặng, nhất là vừa mới mổ…thì nên hạn chế người ngoài vào thăm. Vừa tránh cho bệnh nhân đỡ mệt, vừa tránh nhiễm khuẩn, lại đỡ cho bệnh viện khỏi quá tải bởi khách vào thăm.
Như trường hợp của chúng tôi, hợp lý nhất là đợi khi bác ra viện thì đến thăm. Hoặc nếu chót đến bệnh viện rồi thì nhắn bạn ra khu phòng chờ, ngồi hỏi han bệnh tình…Vừa văn minh lại vừa giữ an toàn cho người bệnh.
Với người mới sinh, các cụ ngày xưa có kiêng cữ, tức là đứa bé được đầy tháng thì mới thăm nom được. Vì mới sinh xong, mẹ còn yếu, con còn non, cần được nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Đó cũng là một việc văn minh mà khi thăm người ốm chúng ta cần học tập.
Minh Anh