Hình minh họa.
“Anh dựa vào tay em đây này”, một câu nói bình thường nhưng không hiểu sao lại khiến tôi xúc động đến thế. Có lẽ vì đó là lời của một bà lão nói với một ông lão.
Cả hai ông bà đã gần 80 tuổi. Bà dìu ông đi trong hành lang bệnh viện. Ông vịn vào tay bà bước đi, tin tưởng và hạnh phúc. Có cảm tưởng những lời dịu dàng của bà với ông như những liều thuốc bổ khiến ông khoẻ hơn hẳn.
Ông vừa phải phẫu thuật mắt. Vào phòng bệnh này có hơn một ngày mà ai cũng khen hai ông bà thật tình cảm. Con cháu cũng đông nhưng chỉ vào thăm, mang cơm nước còn mọi việc chăm sóc ông, bà đều làm tất.
Kể cả ban đêm, bà cũng ở lại với ông. Thực ra mọi việc đó con cái cũng có thể làm được cả, nhưng có bà suốt ngày rủ rỉ bên cạnh, ông vui hơn.
Một bà bệnh nhân giường bên bảo, nghe hai ông bà nói chuyện mà thèm, già rồi mà vẫn xưng hô anh em, nói với nhau thật nhẹ nhàng. Đang nói đến đó thì có điện thoại gọi tới, lại thấy bà gắt gỏng: “Rồi. Đang ăn. Đã bảo mai về…”. Bà cúp máy và thanh minh: Ông nhà tôi gọi.
Hoá ra, những lời dịu dàng ấy, nghe thì thích thật đấy, nhưng để nói ra không phải dễ. Cứ bảo phụ nữ là dịu dàng, nhẹ nhàng, nhưng không phải ai cũng thế. Mà lắm người dịu dàng với người ngoài thì được, chứ cứ về nhà với chồng con là lại cứ sa sả suốt ngày. Dù trong thâm tâm bản thân họ cũng không muốn thế.
Và không thể đổ lỗi hết cho phụ nữ được vì người đàn ông cũng phải thế nào mới xứng đáng để được nghe những lời dịu dàng như thế. Chứ cứ cái thói gia trưởng, của ngon thì hưởng, việc gì vất vả thì dồn đến tay vợ, chăm sóc con cái phó mặc cho vợ, chiều hết giờ làm còn la cà quán xá, lại thêm thói trai gái, bồ bịch… thì chả ai có thể dịu dàng với họ được.
Vì thế, muốn được hưởng những lời dịu dàng thì cũng phải bỏ công mà gây dựng, vun đắp.
Nhìn hai ông bà dìu nhau đi, thủ thỉ với nhau những lời dịu dàng như thế tôi thấy đây đúng là một bức tranh của hạnh phúc. Dù có đặt trong cái nền của bệnh viện, nó vẫn lấp lánh ánh sáng của hạnh phúc đích thực mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều mong muốn và phải cố gắng phấn đấu để có được.
Minh Anh