Ở bể bơi hôm ấy tôi để ý tới ba mẹ con nhà nọ. Một cô bé bị bệnh down, chẳng biết bao nhiêu tuổi vì người nó thì to béo, nhưng khuôn mặt lại lơ ngơ như trẻ nhỏ. Nó ngồi ở chỗ bậc thang xuống bể, vung tay đập nước như bọn trẻ 4 – 5 tuổi.
Một đứa nữa, không biết là chị hay em gái, tầm 13 – 14 tuổi, cứ bơi đi bơi lại chơi đùa, té nước vào nó. Bà mẹ ngồi trên bờ nhìn nó âu yếm.
Hình minh họa.
Chẳng hiểu sao tôi thấy khâm phục bà mẹ ấy quá. Bởi nếu tôi có đứa con bị bệnh, không biết tôi có dám đưa con đến bể bơi như thế hay không, tôi có thể cười với nó tươi như thế, dịu dàng như thế… hay sẽ u uất vì buồn, vì thương, vì đau khổ và cả xấu hổ nữa…
Lại nhớ đến tiểu thuyết Hóa thân của Frank Kafka. Người ta yêu anh, chăm sóc anh vì anh là một người đáng yêu, một người kiếm tiền về nuôi cả nhà, nhưng khi anh bị biến thành một thứ gì đó kinh khủng, người ta phải giấu anh đi vì xấu hổ, người ta thương xót nhưng khiếp sợ anh.
Đó cũng là tâm lý bình thường thôi nhưng nó khiến ta phải suy nghĩ. Vậy thực ra ta yêu một người khác vì cái gì? Vì bản thân người đó hay vì lợi ích của chính bản thân ta?
Ta yêu một đứa bé vì nó xinh xắn, bụ bẫm, khỏe mạnh, vì nó nói năng ngộ nghĩnh, đáng yêu, thông minh… tức là nó có đầy đủ những thứ để ai cũng phải yêu.
Còn khi một đứa bé bị tước đi tất cả những thứ đáng yêu đó đi, trần trụi và đáng thương như đứa bé bị bệnh down kia, làm sao để mà yêu được?
Bà mẹ kia yêu đứa con bị bệnh down tức là yêu chính bản thân nó, như nó hiện có chứ không vì cái gì khác cả. Đó mới là một tình yêu đích thực, không thể mất đi.
Chợt giật mình, vậy người khác yêu ta là vì cái gì? Vì ta trẻ trung, xinh đẹp, giỏi giang, có quyền có chức, có nhiều tiền, có thể ban phát lợi lộc, có thể nhờ vả được… Vậy thì khi tất cả những thứ đó mất đi, liệu còn có ai yêu ta nữa không.
Điều đó phải đến khi trắng tay, đến khi nhắm mắt xuôi tay may ra mới biết được. Thế nên, phần nhiều chúng ta không hiểu được cái tình yêu đích thực kia bởi nó vô cùng đơn giản, trong khi cuộc đời lại có quá nhiều thứ phù hoa che lấp đi mất.
Minh Anh