Ảnh minh họa
Nước càng xanh càng đáng sợ
Mùa hè, nhu cầu đến các bể bơi ngày càng nhiều. Điều nhiều người quan tâm là nước bể bơi có sạch, an toàn không? Thông tin trên một số tờ báo cho biết, tình trạng sử dụng đồng sunfat để làm sạch bể bơi khá phổ biến. Theo lời của một nhân viên bể bơi ở Hà Nội thì các bể bơi công cộng rất ít khi thay nước.
Để làm sạch, người ta dùng chất trung hòa nước, Chlorine diệt khuẩn và các thuốc diệt rong, tảo trong hồ bơi. Trong đó, sunfat đồng là một trong những chất dùng để diệt tảo xanh và diệt khuẩn.
TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa, Điện hóa và Đèn tiết kiệm năng lượng cho biết, có rất nhiều hoạt chất làm trong và sạch nước hồ. Tuy nhiên, nhiều người chủ yếu sử dụng ChloraminB, Chlorine hoặc sulfat đồng và một số hóa chất diệt rêu, tảo khác…
Tuy nhiên, các chất này đều rất nguy hiểm nếu dùng quá liều lượng. Ở các hồ bơi, do quá đông người sử dụng, rồi mưa gió… làm cho nước đục.
Nước càng bẩn thì người ta cho càng nhiều sulfat đồng để lắng đọng chất bẩn, tạo ra màu nước trong xanh. Nguy hại nhất là người ta cho vào bể không có liều lượng nào, cứ thế đổ vào bể, khi nào trông thấy nước trong thì thôi. Như vậy cực kỳ nguy hại.
“Về nguyên tắc thì không được dùng sulfat đồng trong bể bơi vì nó sẽ ăn mòn, làm hỏng da, lỡ uống vào thì hại dạ dày. Người ta sử dụng đồng sulfat để làm cho nước trong, khử khuẩn, lắng đọng và khử mùi. Tất cả các axit đều có tính năng này. Khi dùng nó vào bể bơi sẽ rất nguy hiểm.
Khi cho vào nước, đồng sẽ tách ra thành Cu+ và SO4-. SO4 tác động với nước sẽ tạo thành H2SO4 là axit sunfuric. Ở nồng độ cao sẽ cực kỳ nguy hại. Do đó, nước bể bơi càng trong xanh thì càng nguy hiểm”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.
Không thể nhận biết bằng mắt
TS Nguyễn Văn Khải cho biết, riêng với bột sulfat đồng, khi nuốt vào cơ thể có thể gây viêm đại tràng, viêm dạ dày, ảnh hưởng đến gan và gây viêm đường hô hấp. Điều này nhiều người đã biết qua kiến thức hóa học trong sách giáo khoa THCS.
Thậm chí, nhiều người bị đau mắt đỏ, lở loét miệng, bị hỏng võng mạc mắt, bị bệnh da liễu nếu tiếp xúc với các chất hóa học này quá nhiều. Nguyên tắc sử dụng bể bơi trẻ em là khi trẻ tắm được khoảng nửa giờ thì rút nước bể bơi khoảng 50% và thay nước dần vào để đảm bảo vệ sinh.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Khải cho rằng, ở nước ta, rất ít bể công cộng làm thế vì tốn công, tốn điện và tốn… nước.
Nếu như bể bơi sử dụng quá nhiều clo thì có thể dễ dàng phát hiện ngay do mùi clo rất đặc trưng, nhưng sulfat đồng thì không. Theo TS Nguyễn Văn Khải thì chỉ những bể bơi sử dụng hàm lượng sulfat đồng quá đậm đặc thì mới nhìn thấy màu nước xanh lam biếc, còn sử dụng hàm lượng vừa phải thì rất khó phát hiện.
Hiện vé vào các bể bơi không phải là rẻ, nhưng vì hám lợi nên nhiều chủ bể bơi sử dụng hóa chất độc hại, rẻ tiền, thay vì áp dụng đúng các nguyên tắc làm sạch của bể bơi. Hóa chất sulfat đồng dùng trong thuốc trừ sâu cũng phải hạn chế, nói gì đến bể bơi.
“Ý thức của nhiều người khi đến bể bơi công cộng còn rất kém. Nhiều người thậm chí còn tiểu tiện ngay ra bể. Người khác thì khạc nhổ, kì cọ ở bể. Do đó, bể bơi luôn là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe.
Người đi bơi cần có các kiến thức bảo vệ mình như tắm sạch trước và sau khi bơi, chọn bể bơi đúng chuẩn, an toàn. Phản ánh ngay tình trạng nước bể bơi đến các cơ quan chức năng nếu có vấn đề. ”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.
TS Nguyễn Văn Khải khuyên, nếu sau khi bơi mà bị ngứa, đau mắt, chóng mặt, đau bụng… thì phải đến ngay các trạm y tế để điều trị, đồng thời báo cho các cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng nước bể bơi.
Bảo Khánh