Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm và Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp đã trao đổi với PV Khoa học và Cuộc sống/Tri thức và Cuộc sống về TikToker Mr Pips - Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ - TikToker Mr. Hunter cùng 29 đối tượng vừa bị Công an Hà Nội khởi tố về nhiều tội danh.
Phó Đức Nam sau khi bị bắt |
Vụ án lớn nhất trong lĩnh vực ngoại hối chứng khoán
Công an Hà Nội đánh giá đường dây lừa đảo của TikToker Mr Pips là "lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam về ngoại hối, chứng khoán", các chuyên gia nhìn nhận thế nào?
Luật sư Trương Anh Tú: Với số tiền chiếm đoạt hơn 5.200 tỷ đồng và hơn 2.661 nạn nhân, vụ việc này đã làm rúng động dư luận và phơi bày sự tinh vi trong cách thức lừa đảo. Không chỉ số tiền thiệt hại khổng lồ mà còn ở mức độ tổ chức chặt chẽ và quy mô hoạt động xuyên quốc gia. Đây là bài học đắt giá về việc cảnh giác với các mô hình đầu tư siêu lợi nhuận ảo.
Luật sư Đặng Văn Cường: Vụ án liên quan TikToker Mr Pips – Phó Đức Nam và đồng bọn không phải là vụ án đầu tiên bị phát hiện, xử lý nhưng đây có thể xem là vụ án lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam về ngoại hối, chứng khoán. Theo các cơ quan chức năng, hiện Việt Nam chưa cấp phép cho bất cứ sàn chứng khoán quốc tế nào hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, tuy nhiên, các đối tượng đã đưa ra các website và cho rằng đó là hoạt động chứng khoán quốc tế. Cơ quan điều tra cũng đã nhận định, các sàn này không được cấp phép tại Việt Nam, hoạt động bất hợp pháp và sử dụng phần mềm giao dịch giả để thao túng kết quả.
Luật sư Đặng Văn Cường |
Trước khi khởi tố, TikToker Mr Pips – Phó Đức Nam từng nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội qua nhiều video dạy làm giàu bằng đầu tư hay hướng tới xây dựng cộng đồng đầu tư tài chính. Các luật sư có cảnh báo gì về chuyên gia dạy làm giàu?
Luật sư Trương Anh Tú: Không chỉ TikToker Mr Pips – Phó Đức Nam, hiện nay, mạng xã hội tràn ngập những "chuyên gia" tự phong, hứa hẹn giúp người khác làm giàu nhanh chóng. Những kẻ này thường xây dựng hình ảnh giả tạo về sự thành công, như khoe nhà sang, xe xịn, du lịch xa hoa để thu hút người theo dõi. Đây là những chiêu trò tâm lý nhằm đánh vào lòng tham và sự khao khát đổi đời của nhiều người. Khi tham gia các khóa học làm giàu hoặc đầu tư theo chỉ dẫn của những "chuyên gia" này, nhiều người đã trắng tay vì tiền thật của họ bị cuốn vào những dự án ảo.
Bị hại trong vụ án có cơ hội lấy lại tiền?
Vụ án này cho thấy thủ đoạn “đánh” vào lòng tham vẫn là dễ dụ dỗ nhà nhà, người người “móc hầu bao” làm giàu?
Luật sư Đặng Văn Cường: Không sai khi nói rằng, những người trẻ hay đăng ảnh kiểu “phông bạt”, hào nhoáng, không có trình độ năng lực thực sự, nghề nghiệp không rõ ràng nhưng lại có nhiều tài sản, làm giàu nhanh một cách bất thường thì đa phần là do phạm tội mà có. TikToker Mr Pips - Phó Đức Nam là đối tượng có kiến thức tốt về tài chính, công nghệ thông tin. Để thực hiện hành vi lừa đảo, Nam dùng thủ đoạn “đánh” vào lòng tham. Đối tượng thường khoe trên mạng xã hội những hình ảnh về cuộc sống giàu có, khối tài sản khổng lồ, siêu xe, biệt thự. Các nạn nhân sập bẫy đa số vì tin vào sự hào nhoáng, giàu có của Nam và Ngọ. Cùng với việc ham làm giàu, sớm thành đại gia, họ càng dễ bị dẫn dụ.
Thủ đoạn, chiêu trò liên hoàn kế mà Mr Pips, Mr Hunter đã lừa 2.661 bị hại phải nói là rất tinh vi, phơi bày sự thật “phông bạt” sau vỏ bọc hào nhoáng và cạm bẫy ngọt ngào?
Luật sư Đặng Văn Cường: Thông tin ban đầu quá trình điều tra vụ án cho thấy, thủ đoạn, chiêu trò của các đối tượng rất tinh vi khi mở các trang web có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm đây là sàn giao dịch ngoại hối quốc tế, có uy tín. Đối tượng mở một công ty bình phong tại TP HCM với 44 văn phòng giao dịch và huy động khoảng 1.000 nhân viên làm việc từ 8h đến 21h mỗi ngày, dùng các kịch bản khác nhau để săn "con mồi". Các đối tượng dụ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp và để "có lãi". Sau đó, nhóm dùng nhiều thủ đoạn để hướng dẫn, thúc đẩy khách nâng vốn giao dịch. Với người bị thua, nhóm dùng "đòn bẩy" là cho vay tiền trên hệ thống. Thực ra những thủ đoạn phạm tội không mới so với trước đây, nhưng do đánh bóng, “phông bạt” hào nhoáng của Nam nên số lượng nạn nhân tham gia đường dây và số tiền bị chiếm đoạt rất lớn.
Từ vụ án siêu lừa này, lần nữa “nóng” tình trạng lập công ty ma, liên kết nước ngoài “ảo tung chảo” để lùa gà tinh vi, vậy có chế tài nào phát hiện nhanh và xử lý dứt điểm?
Luật sư Trương Anh Tú: Pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ các quy định để xử lý hành vi thành lập công ty "ma" và liên kết nước ngoài giả mạo nhằm mục đích lừa đảo. Tuy nhiên, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ cao và liên kết với các tổ chức nước ngoài để che giấu hành vi phạm pháp. Để phát hiện kịp thời và xử lý dứt điểm, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế, ngân hàng, công an và sự hỗ trợ tích cực từ người dân. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và các cơ chế giám sát chặt chẽ cũng là giải pháp cần thiết để hạn chế tối đa các trường hợp lập công ty "ma" để lừa đảo.
Luật sư Trương Anh Tú |
Lại phải đề cập thêm vấn đề nhức nhối xã hội là hiện thực “nở rộ chuyên gia” dạy làm giàu bằng đầu tư, hay hướng tới xây dựng cộng đồng đầu tư tài chính, hay phát triển bản thân làm chủ cuộc đời… Lời cảnh báo và khuyến nghị tới người dân là gì?
Luật sư Trương Anh Tú: Những lời quảng cáo làm giàu trên mạng xã hội như “tự do tài chính”, “làm chủ cuộc đời”, hay “đầu tư siêu lợi nhuận” thường được gắn với những hình ảnh thành công giả tạo. Đó là cái bẫy tâm lý rất nguy hiểm. Nhiều đối tượng còn tạo ra các “cộng đồng đầu tư” để tạo cảm giác an toàn cho người tham gia, nhưng thực chất là hình thức “lùa gà” chuyên nghiệp. Người dân cần tỉnh táo, không để bị cuốn theo những chiêu trò hào nhoáng. Trước khi đầu tư hay tham gia bất kỳ khóa học làm giàu nào, hãy tìm hiểu kỹ thông tin về người tổ chức, tính pháp lý của công ty và dự án. Tham khảo ý kiến của các chuyên gia tài chính hoặc luật sư để xác minh thông tin. Hãy nhớ rằng làm giàu là một hành trình dài, cần sự kiên nhẫn và kiến thức thực tế, không phải là một “phép màu” xảy ra trong thời gian ngắn.
Các bị hại trong vụ án có cơ hội lấy lại tiền không? Số tiền 5.200 tỷ đồng, bất động sản… thu giữ từ Mr Pips, Mr Hunter sẽ được sử dụng khắc phục, bồi thường cho các bị hại?
Luật sư Đặng Văn Cường: Cơ quan điều tra xác định, trong vụ án trên có 2.661 bị hại nạp tiền lần đầu, với tổng số tiền khoảng gần 50 triệu USD. Với số tài sản 5.200 tỷ đồng bị thu giữ trong vụ án, cơ quan điều tra sẽ quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật với nguyên tắc số tiền là tang vật vụ án để chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng. Số tiền của các bị hại sẽ trả lại cho các bị hại, số tiền do thu lợi bất chính ngoài số tiền của bị hại sẽ bị tịch thu và sung công quỹ. Những số tiền, tài sản phát sinh từ hành vi phạm tội cũng sẽ bị tịch thu. Trong trường hợp, tài sản của bị hại bị thất thoát, hao hụt, không còn đủ để trả cho bị hại thì bị hại sẽ chịu một phần thiệt thòi. Các nhà đầu tư bị các đối tượng lừa đảo trong vụ án có thể liên hệ với cơ quan công an, cung cấp các thông tin, tài liệu và đề nghị được tham gia vụ án với vai trò là bị hại.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Ngày 10/12, Công an TP Hà Nội cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "rửa tiền", "không tố giác tội phạm", "chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" liên quan TikToker Mr Pips - Phó Đức Nam và Mr. Hunter - Lê Khắc Ngọ. Trong số 31 bị can, có 26 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 bị can về tội rửa tiền, 1 bị can tội không tố giác tội phạm, 1 bị can tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có. Cảnh sát đã thu, phong tỏa nhiều tài sản ước tính hơn 5.200 tỷ đồng. Trong đó có 316 tỷ đồng trong tài khoản, các sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đồng, 69 tỷ đồng tiền mặt, 2,3 triệu USD, 890 miếng vàng SJC, 246 kg vàng nguyên khối, 31 siêu xe, 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng trị giá khoảng 300 tỷ đồng... 125 bất động sản cũng bị phong tỏa giao dịch.
Học vấn gây sốc của Mr Pips
Một thành viên ban chuyên án thông tin với báo chí cho biết, TikToker Mr Pips - Phó Đức Nam có kiến thức rất tốt về tài chính, kinh tế. Sau khi tốt nghiệp THPT, Phó Đức Nam là một trong 3 người trên thế giới được nhận học bổng toàn phần tại một trường đại học ở Singapore, chuyên ngành học về công nghệ thông tin. Nam cũng có khả năng nói tiếng Anh lưu loát, có chứng chỉ IELTS 8.5.