Những biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường, nên biết để phòng ngừa

Chuyên gia khuyến cáo, mỗi 6-12 tháng, bệnh nhân đái tháo đường phải đi tầm soát tất cả các biến chứng. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường như mờ mắt, phù, đau ngực hay tê bì chân tay, người bệnh phải đi khám bác sỹ chuyên khoa ngay...

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, với bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ), nếu không kiểm soát đường huyết tốt sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, thận, tổn thương võng mạc mắt, nhiễm trùng, loét hoại tử bàn chân, và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ.

Hiểu biết về đái tháo đường sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị hiệu quả và người bệnh có cuộc sống chất lượng, khỏe mạnh.

VIệt Nam nằm trong top có tỷ lệ mắc cao nhất thế giới

Theo Tạp chí The Lancet số tháng 11/ 2024, trên thế giới ước tính có khoảng 828 triệu người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên mắc (ĐTĐ), trong đó tỷ lệ phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có tỷ lệ mắc ĐTĐ cao trên thế giới. Số người trưởng thành mắc ĐTĐ là 8 triệu người đứng thứ 17 trên thế giới. Trong đó, 5 triệu người bệnh ĐTĐ không được điều trị, đứng thứ 13 trên thế giới. Đây có thể là lý do quan trọng khiến nhiều bệnh nhân ĐTĐ có các biến chứng nặng.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, ThS Hoàng Thị Liên Phương hội chẩn ca bệnh đái tháo đường nặng với nhiều biến chứng - Ảnh BVCC

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, ThS Hoàng Thị Liên Phương hội chẩn ca bệnh đái tháo đường nặng với nhiều biến chứng - Ảnh BVCC

Tại Khoa Nội tiết & Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân S (70 tuổi, Thái Bình) đã bị cắt nửa bàn chân trái, đặt stent động mạch đùi trái, nhưng gần đây bàn chân phải lại xuất hiện loét gót chân và gần như không có cảm giác tại 2 tay 2 chân.

Nguyên nhân do không kiểm soát tốt đường huyết, chế độ ăn uống thiếu tuân thủ và chỉ uống thuốc khi đường huyết lên cao. Cũng theo người nhà, do thiếu sự tuân thủ các chỉ định, hướng dẫn của các bác sĩ trong chế độ sinh hoạt, ăn uống, sử dụng thuốc nên tình trạng của bệnh nhân theo thời gian nặng hơn, sức khoẻ yếu.

Bệnh nhân V (73 tuổi, Nam Định) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, suy tim, suy thận do biến chứng ĐTĐ. Nguyên nhân sâu xa cũng do thiếu kiểm soát đường huyết, mỡ máu, chưa tầm soát các vấn đề bệnh đồng mắc. Hơn thế, bệnh nhân thiếu sự theo dõi, thăm khám định kỳ nên bị hạn chế trong việc điều chỉnh thuốc, phác đồ theo diễn biến bệnh.

Tầm soát sớm để phòng ngừa

Theo ThS. BS Hoàng Thị Liên Phương, Phó Trưởng Khoa Nội tiết & Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai: Bệnh ĐTĐ có tỷ lệ biến chứng cao, nguy hiểm. Để phòng ngừa, người bệnh cần kiểm soát tốt các vấn đề đường huyết, huyết áp, mỡ máu, tầm soát các bệnh lý kèm theo để ngăn ngừa các biến chứng. Bên cạnh đó, người bệnh cần được tầm soát định kỳ các biến chứng vì nếu phát hiện biến chứng ở giai đoạn sớm thì điều trị sẽ rất đơn giản và hiệu quả cao.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết & Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Do được chẩn đoán muộn nên nhiều bệnh nhân ĐTĐ có các biến chứng xuất hiện khá sớm. Theo các nghiên cứu, có tới 55% số bệnh nhân ĐTĐ ở Việt Nam đã có biến chứng ngay từ khi phát hiện ra bệnh.

Các biến chứng ĐTĐ chia ra làm 2 loại chính: Biến chứng mạch máu lớn và biến chứng mạch máu nhỏ. Các biến chứng mạch máu nhỏ được coi là các biến chứng đặc hiệu với bệnh ĐTĐ, có liên quan mật thiết đến tình trạng kiểm soát đường huyết.

Đó là bệnh võng mạc ĐTĐ, nguyên nhân hàng đầu gây ra mù loà, và tổn thương các mạch máu ở cầu thận, nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận và khiến bệnh nhận phải lọc máu.

Ở Việt Nam 1/3 số bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu là do ĐTĐ. Tổn thương các dây thần kinh và đáng sợ nhất là nguyên nhân gây loét bàn chân dẫn đến phải cắt bàn chân..

Tuy nhiên, biến chứng mạch máu lớn mới là biến chứng nguy hiểm nhất vì gây tử vong nhiều. Có ba nhóm biến chứng mạch máu lớn được người ta nhắc đến: Biến chứng mạch vành gây nhồi máu cơ tim; Biến chứng mạch máu não mạch cảnh gây đột quỵ và Tắc mạch máu chi dưới, loét bàn chân, cắt cụt chân.

TS. BS Bảy khuyến cáo, mỗi 6 - 12 tháng, bệnh nhân ĐTĐ phải đi tầm soát tất cả các biến chứng. Và nếu chưa đến thời điểm đi khám nhưng nếu thấy có các dấu hiệu bất thường như mờ mắt, phù, đau ngực hay tê bì chân tay thì người bệnh phải đi khám bác sỹ chuyên khoa ngay. Nếu đợi đến khi có các triệu chứng nặng thì biến chứng thường đã rất muộn rồi.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, các nhân viên y tế cần chú ý phát hiện và điều trị toàn bộ các bệnh lý đi kèm.

“Hơn hết, người bệnh và người thân cần chung sống với ĐTĐ bằng tâm thế bình an, thoải mái, vui tươi, để chất lượng cuộc sống tốt hơn”, TS. BS Bảy nhấn mạnh.

Người bệnh ĐTĐ thường có rất nhiều các bệnh đồng mắc khác như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân béo phì. Do đó cần kiểm soát cân nặng, huyết áp, mỡ máu…, không để quá cao, hay quá thấp.

Thử máu mao mạch thường xuyên hàng ngày bằng máy đo đường huyết mao mạch hay thiết bị theo dõi đường máu liên tục (CGM), tránh tin vào cảm giác.

Tuyệt đối không bỏ thuốc khi thấy đường huyết, huyết áp về bình thường, bởi có kết quả đó là do thuốc.

Tuân thủ chế độ ăn, lối sống bao gồm tập luyện thể dục, không ăn quá no, quá nhiều, quá ít hoặc ăn kiêng quá mức.

Theo VietnamDaily
Đau ở đâu báo bệnh ở đó?

Đau nhức cơ thể, vì sao?

Tình trạng đau nhức cơ thể có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau: nhiễm trùng, bệnh tật hoặc một số loại thuốc nhất định... Xác định được nguyên nhân chính xác gây đau để có biện pháp kiểm soát và điều trị bệnh hiệu quả.
back to top