Hỏi: Làm thế nào để phân biệt muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết và muỗi thường?
Hoàng Bảo Châu (Hà Nội)
PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư: Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây nên, cụ thể loại virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau Muỗi vằn là muỗi gây sốt xuất huyết, trong đó đặc biệt là chủng aedes aegypti. Đặc điểm để xác định loại muỗi gây sốt xuất huyết này là muỗi có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng nên gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái sẽ đốt người và chúng hoạt động mạnh mẽ vào ban ngày, nhất là sáng sớm và chiều tối. Nơi sinh sống của chúng chính là những nơi tối tăm như xó nhà, trên quần áo, chăn màn. Muỗi sinh sản ở trong các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà như bể nước, lu, vại, chum, giếng, lọ cắm hoa… hay kể cả những đồ ve chai trong nhà.
Con đường lây truyền có thể bắt đầu bằng việc sau khi muỗi cái aedes aegypti hút máu người mắc bệnh sốt xuất huyết và mang mầm bệnh. Thời kỳ ủ bệnh của muỗi là 10 – 12 ngày, khoảng thời gian này chính là lúc để virus nhân lên rồi di chuyển đến tuyến nước bọt của muỗi. Sau đó, muỗi truyền bệnh cho người lành thông qua vết đốt. Người bệnh cũng chính là nguồn lây truyền virus cho những con muỗi khác. Đặc biệt là khi muỗi thay đổi vật chủ thường xuyên, nó sẽ có nguy cơ truyền virus cho nhiều người hơn nữa. Đó cũng là nguyên do khiến bệnh trở thành dịch lớn.
Do vậy, nên diệt hết muỗi vằn có trong môi trường sống xung quanh, đặc biệt là muỗi vằn trong nhà. Tuy vậy, cần phải hiểu rằng không phải cứ có muỗi vằn thì sẽ bị sốt xuất huyết. Chỉ những con muỗi có mầm bệnh, trong môi trường có tồn tại virus Dengue thì mới gây bệnh sốt xuất huyết. Việc phân biệt loại muỗi này với các loài muỗi khác không khó. Quan trọng là khâu vệ sinh phòng bệnh, giữ môi trường sạch sẽ, không để nước đọng, thu gom rác đúng cách...