Bà Nguyễn Thị H. ( Hà Nội) đến viện cấp cứu trong tình trạng sốc, nhiệt độ hạ xuống đột ngột, da lạnh, tím tái, vật vã, li bì, đau bụng cấp do tràn dịch màng phổi, màng tim, ổ bụng....
Người nhà cho biết, bà đã bị sốt 4 ngày qua, nhưng nghĩ sốt do cảm cúm nên bà tự uống thuốc hạ sốt. Thấy bà vẫn sốt cao, kéo dài, đến lúc không chịu được, gia đình mới đưa đi cấp cứu. Bà được chẩn đoán sốc do sốt xuất huyết, phải điều trị gần 1 tháng mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Lời bàn: ThS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Viện trưởng BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, nhiều bệnh nhân tự ý điều trị sốt đã phải nhập viện co giật, sốc...
Sốt là một biểu hiện của nhiều bệnh, đa số là do nhiễm khuẩn, nhưng cũng có trường hợp không do nhiễm khuẩn. Chẳng hạn, sốt trong vài ngày có thể do sốt phát ban, sốt xuất huyết, cúm, do viêm nhiễm vùng miệng họng, bộ máy hô hấp... Sốt dài ngày có thể do lao, tim, sốt rét, bị bệnh ở gan, thận não, nhiễm khuẩn huyết...
Vì vậy, cần theo dõi thân nhiệt của bệnh nhân bị sốt, nếu nhiệt độ tăng nhanh, khoảng thời gian dùng thuốc rút ngắn lại hoặc thuốc hạ sốt ít có tác dụng cần đưa ngay người bệnh tới bác sĩ, tránh tình trạng, để lâu nguy hiểm tới tính mạng.