Theo TS. BS Ngô Chí Hiếu - tiến sĩ Nội Tim mạch, khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cho biết, rung nhĩ là chứng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất ở người lớn. Trong rung nhĩ, các tín hiệu trong buồng trên của tim (tâm nhĩ) rất hỗn loạn, gây ra tình trạng nhịp tim nhanh và không đều. Điều này có thể khiến máu ứ trệ lại trong buồng trên của tâm nhĩ và hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông ở tâm nhĩ trái thoát ra và xuống buồng thất, được tống ra ngoài thì có thể di chuyển đến não và gây đột quỵ.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Rung nhĩ là nguyên nhân gây ra hơn 20% các trường hợp đột quỵ với nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn, nguy hiểm hơn và để lại nhiều di chứng nặng nề.
Dấu hiệu cảnh báo rung nhĩ
Nhiều người mắc rung nhĩ nhưng không nhận ra do bệnh tiến triển âm thầm. Hãy cẩn trọng nếu bạn có các triệu chứng sau:
Tim đập nhanh, hồi hộp, nhịp tim rối loạn.
Cảm giác hụt hơi, dễ đuối sức, giảm khả năng gắng sức.
Tức ngực, đau thắt ngực, cảm giác nặng nề vùng ngực.
Chóng mặt, xây xẩm, có lúc muốn ngất.
Lo âu, cảm giác tim đập không bình thường ngay cả khi nghỉ ngơi.
Rối loạn giấc ngủ, cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
Ai có nguy cơ cao mắc rung nhĩ?
Bị cao huyết áp, tiểu đường, béo phì.
Mắc bệnh tim mạch, bệnh động mạch vành, suy tim.
Có tiền sử gia đình bị rung nhĩ hoặc đột quỵ.
Sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích thường xuyên.
Căng thẳng kéo dài, lối sống ít vận động.
Đang mắc bệnh tuyến giáp hoặc có rối loạn nội tiết.
Tuổi cao (nguy cơ tăng theo độ tuổi, đặc biệt sau 60 tuổi).
Biện pháp phòng ngừa rung nhĩ hiệu quả, giúp giảm biến chứng
Uống nhiều nước
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), uống đủ lượng nước cơ thể cần sẽ duy trì nhịp tim đều đặn, đồng thời giúp tim dễ dàng bơm máu đến các cơ quan hơn. Vì thế, bạn nên cố gắng uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, uống nhiều hơn vào ngày nóng hoặc khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Đối với người bệnh rung nhĩ đã có biến chứng suy tim, lượng nước tiêu thụ một ngày cần được sự tư vấn, đánh giá kỹ lượng của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch để tránh tình trạng quá tải dịch trong cơ thể.
Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ có thể gây ra các cơn rung nhĩ. Do đó, bạn cần tập cho bản thân thói quen ngủ đủ 6-8 giờ mỗi đêm. Một số mẹo giúp bạn có giấc ngủ ngon là:
Tập thói quen đi ngủ trong khoảng thời gian 22-23h, thức dậy lúc 5-7h sáng.
Dành 30 phút đến 1 giờ trước khi ngủ để thư giãn. Trong khoảng thời gian này, bạn nên nghe nhạc, đọc sách hoặc thả lỏng tâm trí, tránh các hoạt động kích thích não bộ như làm việc trên máy tính, chơi game, xem phim hành động… Nhờ vậy, bạn sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Giữ nhiệt độ phòng luôn trong trạng thái mát mẻ, không quá lạnh hay quá nóng. Tắt hết đèn ngủ và các thiết bị chiếu sáng xung quanh. Chọn trang phục rộng rãi và trang bị bộ giường nệm thật thoải mái. Tất cả những yếu tố này sẽ góp phần đem lại cho bạn một giấc ngủ ngon.
Cắt giảm lượng caffeine
Là một chất kích thích, caffeine có thể khiến tim bạn đập nhanh hoặc đập bất thường. Do vậy, hãy cố gắng cắt giảm lượng caffeine nạp vào cơ thể ở mức độ cho phép mỗi ngày (tối đa khoảng 3 ly cà phê mỗi ngày).
Giảm muối trong khẩu phần ăn
Ăn quá mặn sẽ giữ nước trong cơ thể, đồng thời gây mất cân bằng kali. Vì vậy khi tiêu thụ quá nhiều muối, bạn có nguy cơ tăng huyết áp, tạo điều kiện thuận lợi hình thành rung nhĩ, tăng tần suất cơn rung nhĩ. Bạn nên giảm lượng muối tiêu thụ vào xuống dưới 1.500mg/ngày bằng cách:
Đọc thành phần ghi trên nhãn các loại đồ hộp và thực phẩm chế biến sẵn để đảm bảo chúng không chứa quá nhiều muối.
Ưu tiên chọn thực phẩm tươi sống, hạn chế dùng thực phẩm đông lạnh vì chúng đều chứa một lượng muối đáng kể nhằm kéo dài hạn sử dụng.
Giảm sử dụng muối khi nấu ăn, thay bằng các loại thảo mộc và gia vị tự nhiên để tăng hương vị cho món ăn.
Hạn chế các loại gia vị chấm như nước mắm, nước tương, sốt cà chua, tương ớt, muối tiêu… trong các bữa ăn.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Kiểm soát căng thẳng
Stress là tác nhân làm tăng nhịp tim, từ đó kích hoạt cơn rung nhĩ. Bạn cần tập cho bản thân thói quen giảm căng thẳng vì điều này rất có lợi cho tim. Một số cách giúp kiểm soát căng thẳng là:
Ngồi thiền ít nhất 10 phút mỗi ngày
Thực hành các bài tập thở để thư giãn cơ thể
Tập yoga
Tham gia các hoạt động ngoài trời như đi bộ, đạp xe…
Tắm bồn nước nóng, có thể pha thêm tinh dầu
Đọc sách, nghe nhạc, xem phim
Viết nhật ký