Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health bị cảnh báo vi phạm quảng cáo

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới đưa ra cảnh báo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health có nội dung quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật.

“Thảo dược không phải ai cũng dùng được, khi dùng còn phải căn cứ trên thể trạng như người huyết áp cao, huyết áp thấp, có tiểu đường không, có suy thận, suy gan không… để dùng liều lượng và loại thuốc phù hợp. Việc tự ý dùng thảo dược có thể gây tai biến nguy hiểm”, ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tự nhiên (Napro) cho biết.

Sản phẩm Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health có nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm là thuốc. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm
Sản phẩm Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health có nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm là thuốc. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm

Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health được quảng cáo như thuốc chữa bệnh

Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay, theo phản ánh tại một số website, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang có quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health với nội dung quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm dẫn đường link quảng cáo trên kênh Tiktok @hoanghuong.meli889. Tại đây, sản phẩm được giới thiệu “có hoạt chất hỗ trợ điều trị ung thư từ cây trinh nữ hoàng cung và đang chứng minh lâm sàng tại Bệnh viện K”.

Tại đường link trên nền tảng sàn thương mại điện tử "True natural Trấn Thành", sản phẩm được quảng cáo có công dụng hỗ trợ hạn chế sự phát triển của u xơ tử cung, u tuyến vú lành tính (có thể tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư cổ tử cung nếu không được điều trị kịp thời).

Giúp hoạt huyết, điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh (tốt cho tất cả chị em phụ nữ từ sức khỏe, làn da, sinh lý đặc biệt cho quá trình tiền thụ thai); Giúp chống oxy hóa, chống viêm và tăng cường miễn dịch.

Quảng cáo này cũng cảnh báo “tai họa có thể phòng ngừa, nên dùng cho mọi phụ nữ từ dậy thì cho đến mãn kinh. 1-2 liệu trình/năm. Mỗi liệu trình kéo dài 3 tháng”.

Quảng cáo Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health trên trang thương mại điện tử - Ảnh chụp màn hình.
Quảng cáo Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health trên trang thương mại điện tử - Ảnh chụp màn hình.

Theo Cục An toàn thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health do Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Dược (địa chỉ: Lô F3, Đường N5, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) công bố.

Sản phẩm được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 2320/2021/ĐKSP ngày 16/3/2021. Ngày 12/8/2021, Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 2288/2021/XNQC-ATTP cho Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm Thiên nhiên True Natural Việt Nam.

Ngày 12/4/2023, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định số 134/QĐ-ATTP thu hồi Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 2288/2021/XNQC-ATTP theo đề nghị của Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm Thiên nhiên True Natural Việt Nam.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý các đường link có nội dung vi phạm quảng cáo nêu trên.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị, người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm để quyết định mua và sử dụng sản phẩm tại đường link nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Trước đó, năm 2023, Cục An toàn thực phẩm từng đưa ra cảnh báo tương tự đối với sản phẩm Viên trinh nữ hoàng cung Crilin Women Health quảng cáo gây hiểu lầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp phép.

Không có khả năng trị ung thư, cẩn thận tai biến nguy hiểm

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống về thảo dược Trinh nữ hoàng cung trong thực phẩm chức năng được quảng cáo hỗ trợ điều trị ung thư, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định, thảo dược không có khả năng trị ung thư. Ung thư là một căn bệnh ác tính của tế bào, hay di căn nên việc điều trị ung thư ở tất cả các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều phải dựa vào cơ sở khoa học hết sức chặt chẽ.

Mỗi loại u, ung thư, mỗi bệnh nhân ung thư đều có một phác đồ điều trị riêng nên việc chữa ung thư bằng thảo dược là hoang tưởng, không có thật.

GS.TS Đức phân tích, mặc dù ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng ở “thời gian vàng” khi phát hiện sớm có thể khỏi bệnh, ở giai đoạn muộn giúp kéo dài sự sống, cải thiện chất lượng sống rõ rệt. Nhưng nhiều người khi phát hiện ung thư, lại không điều trị theo chỉ định của bác sĩ mà tìm đến thảo dược, thuốc Nam, thực phẩm chức năng… để tiêu u. Đến khi u sưng to, di căn nhiều nơi, bệnh nhân suy kiệt… không còn cơ hội chữa trị.

Vì vậy, khi có dấu hiệu bất thường, người dân nên đi khám và điều trị theo Tây y. Nhiều loại ung thư nếu phát hiện và điều trị sớm có khả năng khỏi bệnh lên tới 90%.

Tương tự, chuyên gia nghiên cứu sinh học và y học Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tự nhiên (Napro) nhấn mạnh, có nhiều loại thảo dược được quảng cáo tiêu u, chữa ung thư nhưng cho tới nay chưa có bất kỳ một loại thảo dược nào có tác dụng chữa khỏi ung thư nói chung và u xơ phần phụ nói riêng. Tất cả các thảo dược chỉ là hỗ trợ để kéo dài sự sống bằng cơ chế tăng sức đề kháng hoặc ức chế sự phát triển của tế bào khối u.

Thảo dược trị ung thư thực tế là những thảo dược bổ sung các vitamin, khoáng chất, hoạt chất sinh học làm tăng sức đề kháng không đặc hiệu và tăng sức đề kháng đặc hiệu, từ đó làm hạn chế xuất hiện ung thư hoặc làm chậm quá trình phát triển ung thư. Trong thảo dược thường có một số hoạt chất chống ung thư như Alkyl, các hợp chất hữu cơ Isothiocyanat, các Flavonoid, Polyphenol, Isoflavon…

Có khá nhiều vị thuốc đã được khảo sát nghiên cứu có tác dụng kháng ung, hỗ trợ trị liệu ung thư nhưng bệnh lý ung thư là do nhiều nguyên nhân khác nhau nên không phải cứ có tác dụng trị ung thư là dùng. Việc dùng không đúng còn có thể gây hại.

Chẳng hạn, trinh nữ hoàng cung là dược liệu quý với nhiều công dụng trong phòng ngừa và điều trị bệnh. Tuy nhiên, dược liệu này là thuốc và không thể sử dụng tùy tiện hay lạm dụng trong thời gian dài.

Trên thực tế, một số người dùng trinh nữ hoàng cung có dấu hiệu bị chóng mặt, tụt huyết áp, nôn, khô cổ họng, nôn nao, khó chịu... Khi sử dụng trinh nữ hoàng cung cần lưu ý: Không ăn rau muống, đậu xanh; Không được sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai và đang cho con bú, người suy gan, suy thận...

Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt trong trường hợp đang sử dụng các loại thuốc Tây khác thì không được kết hợp cùng với trinh nữ hoàng cung.

Đặc biệt, dược liệu trinh nữ hoàng cung dễ bị nhầm lẫn với một số loại cây khác như hoa lan huệ, cây náng hoa trắng... Vì vậy, cần biết cách phân biệt với các loại cây này tránh trường hợp sử dụng nhầm gây tai biến.

“Đó là chưa kể, bất cứ thuốc nào cũng có tính hai mặt, thảo dược không phải ai cũng dùng được, khi dùng còn phải căn cứ trên thể trạng như người huyết áp cao, huyết áp thấp, có tiểu đường không, có suy thận, suy gan không… để dùng liều lượng và loại thuốc phù hợp. Việc tự ý dùng thảo dược cũng có thể gây tai biến nguy hiểm”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Văn phòng luật sư Kết nối, quy định pháp luật khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố là một trong các hành vi bị cấm. Tiếp đó, tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định việc quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health do Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Dược đăng ký sản phẩm công bố là thực phẩm chức năng. Việc quảng cáo Viên trinh nữ hoàng cung Crilin Women Health như một loại thuốc chữa bệnh đã vi phạm quy định trên do quảng cáo không đúng công dụng của hàng hoá, quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm đó là thuốc có khả năng chữa bệnh.

Trường hợp quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng được quy định tại điểm b khoản 4 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Đồng thời, theo khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền theo quy định trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Theo đó, tổ chức thực hiện việc quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, tổ chức có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 3 tháng đến 5 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng. Đồng thời, tổ chức vi phạm còn bị buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo.

Bên cạnh đó, hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 về Tội quảng cáo gian dối. Theo đó, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Cũng theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trong trường hợp các nhà phân phối, các cơ sở bán lẻ quảng cáo sai về sản phẩm Viên trinh nữ hoàng cung Crilin Women Health như thuốc chữa bệnh khi sản phẩm không phải là thuốc, Công ty Thiên Dược vẫn có thể bị liên quan, tùy thuộc vào mức độ quản lý và kiểm soát của công ty đối với hoạt động quảng cáo của các nhà phân phối, cơ sở bán lẻ.

Công ty Thiên Dược có trách nhiệm giám sát và đảm bảo rằng các nhà phân phối và cơ sở bán lẻ tuân thủ đúng các quy định về quảng cáo. Cùng với đó, công ty cần cung cấp tài liệu, hướng dẫn rõ ràng về cách thức quảng cáo hợp pháp cho các nhà phân phối và cơ sở bán lẻ. Nếu công ty biết hoặc có khả năng biết rằng các nhà phân phối hoặc cơ sở bán lẻ đang quảng cáo sai về công dụng của sản phẩm, công ty có trách nhiệm yêu cầu ngừng việc quảng cáo sai sự thật.

Theo VietnamDaily
back to top