Bà Lê Thị Cần.
Về hưu chỉ tham gia hoạt động xã hội
Từ khi bắt đầu học tiếng Nga ở phổ thông bà Lê Thị Cần đã thích hát tiếng Nga. Lên đại học, học ở Đại học Tài chính, bà vẫn say mê hát tiếng Nga. Sau này đi làm, rồi nhất là khi nghỉ hưu, tham gia các câu lạc bộ ca hát, bà lại càng hay hát tiếng Nga.
Bà còn tham gia CLB Bạch Dương (Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga Hà Nội) là nơi sinh hoạt của những người đã từng học tập, công tác và sinh sống tại Nga, để được hát tiếng Nga.
Năm 2011, sinh hoạt tại cung Hữu nghị Việt Xô, thấy ở đây là cung Việt Xô mà không có ai hát tiếng Nga, bà đăng ký hát. Thế là năm ấy câu lạc bộ tổ chức cả một chương trình chào mừng Cách mạng tháng 10 Nga. Bà bảo, âm nhạc Nga có giai điệu hay lắm nên rất say mê.
Trước bà Cần công tác tại Kho bạc nhà nước. Khi về hưu, có người bạn đã khuyên bà không nên đi làm thêm, cả đời làm cho nhà nước, giờ đến lúc nghỉ hưu lại làm cho doanh nghiệp thì không tiện. Thế nên bà tham gia rất nhiều hoạt động xã hội.
Vì có nghiệp vụ tài chính nên từ chi bộ đến 4 – 5 câu lạc bộ mà bà tham gia đều phân công bà phụ trách về quỹ. Mỗi hội là một kẹp tài liệu, một quyển sổ thu chi, chi tiết và cẩn thận. Không chỉ lo sổ sách mà có việc gì làm được là bà đều nhận làm, từ việc đánh máy bài hát, photo tài liệu…
Giữ quan hệ tốt với mọi người
Bà Lê Thị Cần chia sẻ, điều quan trọng nhất với mỗi người là lúc trẻ phải tập trung học hành, hoàn thiện mình, khi đi làm thì phải phấn đấu làm tốt công việc mình được giao, phải đoàn kết với mọi người.
Trong gia đình, ông bà đặt mục tiêu phải nuôi dạy con cháu nên người. Bởi vì tiền bạc chỉ cần vừa phải, quan trọng là con cái phải ngoan ngoãn, hiếu thảo, trong nhà phải hòa thuận, chứ lúc về già mà con cái hư hỏng thì cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì nữa.
Giờ niềm vui của ông bà là chăm sóc cho con cháu, sáng đưa cháu đến lớp, chiều đón cháu về. Sáng sáng ông bà còn tham gia câu lạc bộ khiêu vũ trong Công viên Bách thảo. Tập thường xuyên nhiều năm nay và coi đó như một môn thể thao để giữ gìn sức khỏe. Ngoài ra bà còn tham gia các câu lạc bộ ca hát. Nhưng dù có đi đâu, làm gì thì bao giờ bà cũng phải lo chu toàn việc nhà rồi mới yên tâm đi.
Với bà, phương châm sống là bao giờ cũng phải điều độ. Hai ông bà sống bằng đồng lương hưu, với ti tỉ thứ phải đóng, phải chi, phải lo…, làm thế nào để cân đối được cũng là cả một nghệ thuật.
Dù đi làm hay trong quan hệ với xóm giềng, bao giờ bà cũng nhắc nhở các con phải giữ được sự đoàn kết, gắn bó, bởi vì đó là môi trường sống của mình.
Từ bà con lối xóm cho đến chị giúp việc, tuần đến lau nhà một lần, bao giờ bà cũng tôn trọng quý mến. Như hôm nay, trời mưa lạnh, nhà cũng vắng người chưa đến mức phải đốt lò sưởi, nhưng vì chị rất thích cái lò sưởi, bà vẫn đốt củi lên cho chị vui. Thế nên bao nhiêu năm nay chị vẫn gắn bó với gia đình bà, như người trong nhà.
Ngay đến mấy anh xe ôm đầu ngõ, bà cũng giữ quan hệ tốt. Với ai bà cũng chu đáo, nhẹ nhàng. Với bạn bè cũng vậy, không đồng ý với ai, bà cũng nhẹ nhàng góp ý, không to tiếng, không nặng nề. Bởi vì sống mà cứ ghen ghét, đố kỵ, cứ phải so bì thiệt hơn thì mệt lắm.
Bảo Anh