Việc ăn một mình khiến người già có nguy cơ rước bệnh vào người
Té ngã, trầm cảm… vì ăn một mình
Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Bệnh viện Ilsan thuộc Đại học Dongguk (Seoul, Hàn Quốc) đã tiến hành khảo sát 7.725 người trưởng thành độc thân về tần suất số bữa ăn một mình và đối chiếu với tình hình sức khỏe của họ. Cụ thể, nam giới thường xuyên ăn một mình sẽ có nguy cơ bị béo phì cao hơn 45%, đối với hội chứng chuyển hóa, nguy cơ mắc bệnh ở nam giới là 64%, phụ nữ là 29%.
Đấy là đối với người trưởng thành. Các nhà khoa học cho rằng, đối với người già việc ăn cơm một mình còn mang lại nhiều nguy cơ hơn nữa.
Theo tác giả Ken Teegardin, một chuyên gia về chăm sóc người cao tuổi, viết trên tạp chí SeniorLiving (Cuộc sống người cao tuổi), ăn một mình không hề đơn giản, nó càng đặc biệt trở nên khó khăn với người già. Tuổi tác khiến người già ít ra ngoài, cộng thêm với việc cảm nhận về thực phẩm không còn tốt, việc nhai và tiêu hóa có vấn đề, nay lại phải ăn một mình. Điều này có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của người già.
Cụ thể, khi ăn một mình chúng ta dường như không ăn uống như khi còn người bạn đời. Trước đây họ có thể nấu ăn là nấu cho người kia, và cũng thường chuyện trò trong khi cùng nhau ăn cơm. Những điều này không có được khi sống một mình, ăn một mình.
Rất nhiều người già vì thế mà ăn những bữa ăn thiếu cân bằng dinh dưỡng. Họ thường ăn những gì có thể chế biến nhanh gọn, dễ dàng, nhưng những đồ ăn đó lại không thể nào cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết. Hoặc thậm chí nhiều người có thể bỏ bữa, lý do đơn giản là khi chỉ có một mình thì bạn quyết định điều đó rất dễ dàng.
Ngoài ra, thay vì trò chuyện với người bạn đời, với người thân trong bữa ăn, khi ăn một mình, người già không có người trò chuyện nên chọn cách ăn và kết thúc bữa ăn của mình trước cái tivi. Việc ăn trước tivi khiến cho trí óc chẳng có ý thức gì về việc mình ăn gì. Cùng với đó là việc chẳng có ai bên cạnh để giúp họ trung thực với cảm giác những lựa chọn ăn uống của bản thân.
Và hậu quả là ăn uống không đúng bữa, không đúng món ăn, thiếu dinh dưỡng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, mất cơ và ảnh hưởng sức khỏe xương và suy giảm trọng lượng. Tất cả những yếu tố này có thể dẫn đến nguy cơ té ngã, hoặc gãy xương; dinh dưỡng nghèo nàn còn có thể dẫn tới nguy cơ trầm cảm.
Ngoài ra, ăn sai loại thực phẩm dành cho người cao tuổi có thể khiến họ tăng cân, dẫn đến huyết áp cao và cholesterol.
Đủ bữa, đảm bảo dinh dưỡng
BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ bệnh viện 105 cho biết, sống một mình, nên nhiều khi người già ăn uống qua loa, đại khái, không đúng bữa, đủ bữa, thức ăn lại nghèo nàn từ đó dẫn đến chất lượng bữa ăn suy giảm. Người già cần nhớ rằng, bữa ăn là vô cùng quan trọng.
Vì vậy, dù một mình, người già vẫn phải đảm bảo ăn uống đầy đủ với ba bữa chính, nếu bữa chính ăn được ít thì có thể ăn thêm các bữa phụ. Ngoài ra, cần phải đảm bảo bữa ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đừng nghĩ ăn một mình thì có thể ăn ít món, hoặc ngại chế biến món ăn đa dạng.
BS Nguyễn Văn Hùng: Ngoài ra, người già cũng có thể thay đổi không khí bữa ăn bằng cách thỉnh thoảng ra ngoài ăn với bạn bè, hội nhóm; hoặc một tuần vài lần ăn cùng con cháu, người thân.
Theo tạp chí Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của Mỹ (AgingCare), bữa ăn của người cao tuổi, dù là nấu cho một người ăn, vẫn cần đủ 4 nhóm thực phẩm chính là bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; và nên sử dụng đa dạng các loại thực phẩm, khoảng từ 10 – 20 loại thực phẩm mỗi ngày.
Việc người già ăn quá nhiều chất đạm, chất béo, ít rau xanh đều không tốt, mất cân đối dinh dưỡng. Các bữa ăn nhiều chất đạm, nhiều chất béo quá thường khó tiêu, khiến người cao tuổi phải chịu cảm giác đầy bụng, khó chịu; kéo dài các bữa ăn như vậy có thể dễ dẫn đến các bệnh tim, mạch, xơ vữa động mạch. Trong khi đó, ăn ít rau xanh, dễ gây ra bệnh táo bón ở người cao tuổi. Rau quả tươi, nhất là những rau màu xanh thẫm rất tốt cho cơ thể người già.
Đức Anh