Khắc phục tình trạng sa sút trí tuệ ở người già

Bệnh sa sút trí tuệ ở người già có xu hướng gia tăng. Sa sút trí tuệ không chỉ tiêu tốn khá nhiều chi phí chăm sóc sức khỏe cho người bệnh mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. 3 giây, thế giới lại có thêm 1 người bị sa sút trí tuệ.

Theo một nghiên cứu dịch tễ học ở nước ta, tỷ lệ sa sút trí tuệ chiếm từ 4,8-5% ở người trên 60 tuổi. Như vậy, Việt Nam có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ và xu hướng đang ngày càng gia tăng.

Sa sút trí tuệ là một hội chứng có thể do nhiều bệnh lý khác nhau gây ra và có thể hồi phục hoặc không hồi phục được. Hội chứng lâm sàng này có đặc trưng là một tình trạng suy thoái mắc phải dai dẳng ít nhất trong ba lĩnh vực chức năng: ngôn ngữ, trí nhớ, kỹ năng thị giác – không gian, khả năng điều hành và cảm xúc.

Sa sút trí tuệ thường nối tiếp sau suy giảm nhận thức nhẹ có thể phát hiện được theo tiến triển của Petersen. Phần lớn các trường hợp sa sút trí tuệ (ví dụ bệnh Alzheimer) nhưng các bệnh nhân bị chấn thương sọ não, sau nhiễm khuẩn hoặc một số hội chứng đột quỵ não có thể thấy thoái giảm phần nào các rối loạn nhận thức.

GS.TS Phạm Thắng- Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, sa sút trí tuệ nói chung và bệnh Alzheimer nói riêng hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của những chuyên gia lão khoa bởi khi tuổi thọ trung bình ngày càng cao, số người mắc bệnh này ngày càng nhiều. GS Thắng cũng cảnh báo, bệnh sa sút trí tuệ gây thoái hóa thần kinh với chi phí tốn kém trong chăm sóc.

Sa sút trí tuệ có thể khởi phát ở tuổi trẻ song chủ yếu là ở tuổi già. Một số nghiên cứu cho thấy ở lứa tuổi 65 tỷ lệ sa sút trí tuệ là 5%. Như vậy, có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi. Cứ tăng thêm 5 tuổi thì số lượng người sa sút trí tuệ tăng lên 2 lần, đến 80 tuổi thì một phần ba số người già mắc hội chứng này. Bệnh này gây ra chứng suy giảm trí nhớ, kèm theo đó là rối loạn về hành vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Theo GS Jean Piere Michel- Giám đốc Liên đoàn đào tạo lão khoa (Hội Lão khoa thế giới): “Cứ 3 giây, thế giới lại có thêm 1 người bị sa sút trí tuệ, mỗi năm có 7,7 triệu người mắc mới”.

Phòng và điều trị bệnh hiệu quả

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu căn bệnh này, chủ yếu dùng thuốc chỉ để làm chậm tiến triển của bệnh. Vì thế, phòng ngừa vẫn là quan trọng nhất, đặc biệt khi các yếu tố nguy cơ ngày càng nhiều hơn.

Giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer thì các biện pháp hỗ trợ cho trí nhớ như sổ tay, máy nhắc công việc hàng ngày là rất hữu ích. Những người trong gia đình nên tạo ra các hoạt động vui vẻ và tránh những chuyện gây mất vui. Bếp núc, nhà tắm, phòng ngủ nên giữ cho an toàn. Giao lưu trò chuyện và duy trì tâm trạng bình thản là rất cần thiết.

Điều trị sa sút trí tuệ do mạch máu cần phải tập trung vào những nguyên nhân nền như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và đái tháo đường. Việc phục hồi chức năng nhận thức là rất khó. Cần có chế độ ăn điều độ, hợp lý như: ăn nhiều rau, hoa quả, đậu, lượng cá vừa đủ, giảm các chế phẩm sữa, ít thịt,bổ sung dầu ô-liu… giảm ăn muối; bổ sung đầy đủ các vitamin B12, B6, folat trong khẩu phần ăn sẽ làm giảm nồng độ homocystein; bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia… Tập thể dục đều đặn, tăng cường hoạt động trí óc, tham gia các hoạt động xã hội… sẽ có tác dụng tích cực để phòng bệnh sa sút trí tuệ.

Để có thể chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ tại nhà, người chăm sóc phải có những kiến thức nhất định thông qua sự tư vấn của các thầy thuốc chuyên khoa. Ví dụ như: học cách tiếp xúc với bệnh nhân sa sút trí tuệ, những kỹ năng chăm sóc thông thường như: cho ăn, tắm rửa…, kỹ năng ứng xử khi bệnh nhân có những bất thường về hành vi, các biện pháp đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Ở giai đoạn cuối, khi bệnh nhân có những rối loạn về tâm thần như: hoang tưởng, ảo giác, kích động, đi lang thang hoặc các biến chứng khác… thì cần cho bệnh nhân nhập viện để điều trị.

Gánh nặng chăm sóc sức khỏe và kinh tế

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, chính vì vậy tuổi thọ bình quân đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam là từ 74-75 tuổi.

Đáng lưu ý với những người cao tuổi là tuổi càng cao thì những vấn đề sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer xuất hiện ngày càng nhiều. Đây là một trong những gánh nặng về sức khỏe không chỉ ảnh hưởng đến một người mà còn ảnh hưởng đến nhiều gia đình và cộng đồng.

Vẫn theo GS Phạm Thắng, hiện nay tại Việt Nam chưa có các chương trình và dịch vụ liên quan đến sa sút trí tuệ, vì vậy, sự ra đời của Hội Lão khoa Việt Nam và hội thảo sa sút trí tuệ quốc gia lần thứ nhất sẽ nghiên cứu, thảo luận sâu về các vấn đề này nhằm đưa sa sút trí tuệ trở thành vấn đề ưu tiên toàn cầu, giảm kỳ thị, đào tạo mạng lưới chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu sa sút trí tuệ như một bệnh mạn tính…

Trong thời gian tới hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được củng cố và thành lập mới để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong cộng đồng. Việc đẩy mạnh mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi sẽ giúp phát hiện sớm và quản lý các bệnh trên hiệu quả, giảm bớt chi phí cho người bệnh.

Theo daidoanket.vn

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top