Năm Mậu tuất kể chuyện cây con làm thuốc tên Cẩu

Cẩu thuốc là các vị thuốc mang tên con chó dùng để chữa bệnh. Trong 12 con giáp, tuất là chó. Chó chữ Hán là Cẩu, Khuyển. Trong Đông y có rất vị thuốc chữa bệnh độc đáo bắt nguồn từ tên con vật này.
cẩu thuốc

Nấm ngọc cẩu là một vị thuốc độc đáo mang tên con chó

Cẩu bảo: Sỏi trong dạ dày, bàng quang, mật chó (là thứ rất hiếm thấy), vị ngọt mặn, tính bình. Tác dụng: giải độc, khai uất, cầm nôn. Cách dùng: Tán mịn, sắc nước uống, liều 0,2-2g/ngày.

Cẩu bì chương (Bời lời nhớt), tên khoa học: Litsea glutinosa (Lour) C.B.Ro, họ: Long não (Lauracaeae). Cẩu bì chương thuộc loại cây gỗ nhỡ, mọc hoang khá phổ biến ở các tỉnh miền núi nước ta, từ Lạng sơn đến An Giang. Bộ phận dùng làm thuốc: Lá dùng tươi hoặc phơi khô chữa nhức đầu, thiên đầu thống; Vỏ rễ, vỏ thân thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa xuân, phơi sấy khô, sao vàng. Thuốc có vị ngọt đắng, tính hàn, có tác dụng: thanh nhiệt, tiêu sưng, làm mát máu, chữa các bệnh: viêm ruột, viêm tuyến nước bọt, viêm tuyến vú, tiêu chảy, lỵ.  Cách dùng: Sắc nước uống 10- 12g/ngày.

Cẩu can thái (Lá diễn, Cỏ gan chó, Cây cẩm), tên khoa học: Peristrophe tinctoria Ness in Wall, họ: Ô rô (Acanthaceae). Cây lá diễn là loại cỏ mọc xum xuê có ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, là loại cây ưa ẩm, ưa bóng. Người ta dùng lá diễn để nhuộm màu xôi nếp (từ tím đến tím hồng hoặc hồng nhạt. Điều chỉnh màu bằng nước vôi trong hoặc nước tro). Lá diễn vị ngọt nhạt, tính mát có tác dụng: thanh phế, chỉ khái, tán ứ, chỉ huyết. Công dụng: chữa ho nhiều đờm, ho ra máu, nôn ra máu. Liều dùng: 30-60 gam tươi hoặc 15-30g khô, sắc nước uống

Cẩu cốt: Xương chó có thể phối hợp với xương trâu bò, lợn, dê, gà, khỉ nấu cao xương động vật  để bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người ốm dậy

Cẩu đầu tỵ cốt – xương đầu mũi chó: Sao vàng tán mịn, uống 10-20g/lần x 2 lần/ngày có tác dụng trị di mộng tinh. 15 ngày là một lần điều trị.

Cẩu não (Óc chó): Vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ dưỡng, an thần. Chưng óc chó với đường trắng ăn chữa thần kinh suy nhược, mất ngủ, hay quên.

Cẩu ngổ lực: (Thổ phục linh): Tên khoa học: Smilax glabra, thuộc họ thổ phục linh (Smilacaceae). Thổ phục linh là cây dây leo, mọc hoang ở miền núi, trung du và các đảo hoang của nước ta. Cây ưa sáng, chịu hạn tốt, phát triển được trên mọi loại đất. Bộ phận dùng làm thuốc: Thân rễ (thường gọi là củ). Thổ phục linh vị ngọt nhạt, chát, tính bình. Tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, trừ phong thấp, mạnh gân cốt, lọc máu. Người ta thường thường phối hợp thổ phục linh với nhiều vị thuốc khác thành bài thuốc để chữa bệnh.

Cẩu nhục (Thịt chó): Theo y học cổ truyền thịt chó vị mặn, chua, tính nóng, không độc. Tác dụng: ôn bổ tỳ thận, trợ dương, trừ hàn, yên ngũ tạng, nhẹ người, ích khí. Thịt chó thường được chế thành các món ăn, ít khi chế thành bài thuốc. Người phải kiêng ăn thịt chó: Phụ nữ mang thai; Người có tạng âm hư hỏa vượng; Người đang bị bệnh gút; Người đang bị sốt nóng do nhiễm khuẩn; Người mỡ máu cao, Cao huyết áp…

Cẩu thận (Dương vật và tinh hoàn chó): Vị mặn, tính nóng, có tác dụng ích tinh, tráng dương, tăng cường sinh dục. Chữa thiểu năng sinh dục, liệt dương, di tinh, đau lưng, mỏi gối. Ngày dùng 4-12g dạng bột hoặc viên.

Cẩu thiệt thảo (Cây lưỡi chó): Tên khoa học: Senecio kirilowuu Turez, họ Cúc (Asteraceae). Cẩu thiệt thảo thuộc loại cây nhỏ sống nhiều năm, nhiều rễ. Lá trên thân hình trứng không cuống, giống lưỡi chó mọc hoang ở vùng núi ẩm. Thuốc có vị đắng hơi ngọt, tính hàn. Tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy.  Công dụng: trị bệnh bạch huyết, u phổi, nhiễm khuẩn đường tiểu, tiểu tiện không thông, viêm khoang miệng.  Sắc nước uống 15g/ngày chữa bệnh bạch huyết mạn tính, bệnh tế bào lưỡi ác tính.

Cẩu tích (Lông cu li, Cây lông khỉ): Tên khoa học: Cibotium barometz J. Sm, họ: Cẩu tích (Thyrsopteridaceae). Ở nước ta cây Cẩu tích mọc tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc; Miền Nam chỉ có một ít ở các vùng núi cao như Ngọc Linh, Lang Bian, Bi Đúp. Bộ phận dùng làm thuốc: thân rễ, thu hái vào mùa Hạ hay mùa Đông, cạo sạch lông, cắt thành đoạn dài 4-10cm phơi sấy khô. Cẩu tích vị đắng ngọt, tính ấm. Tác dụng: bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp. Người ta thường dùng cẩu thích phối hợp với nhiều vị thuốc khác lập thành bài thuốc.

Cẩu tồn mao: Là thân rễ Cẩu tích còn để nguyên lông, nhằm sử dụng lông cẩu tích để cầm máu.

Cẩu tử thảo (Cóc mẳn, Cúc ma, Cây thuốc mông): Tên khoa học: Centipeda minima (L) A.Br.et. Aschers, họ: Cúc (Asteraceae). Cóc mẳn thuộc loại cây thảo, sống hàng năm, mọc sát mặt đất, chủ yếu ở đồng bằng, trung du, vùng núi thấp. Bộ phận dùng: toàn cây thu hái lúc ra hoa, dùng tươi hay khô.  Cẩn tử thảo vị đắng, tính mát, có tác dụng: Hạ sốt, thông khiếu, khu phong, tiêu sưng, giải độc. Ngày dùng 20-40g cây tươi hoặc 10-20g cây khô. Thường phối hợp với nhiều vị thuốc khác làm thành bài thuốc.

Cẩu vĩ trùng (cây Vòi voi, Dền voi, Đại vĩ đao): Tên khoa học: Heliotropium indicum L, họ: Vòi voi (Boraginaceae). Do đặc điểm cụm hoa hình bọ cạp, mọc ở ngọn thân hoặc kẽ lá cong như vòi con voi nên có tên là vòi voi. Toàn cây có lông nháp và mùi hôi. Mùa hoa quả tháng 5-7. Ở Việt Nam, cây vòi voi mọc hoang ở khắp các tỉnh từ miền núi đến đồng bằng và các đảo lớn nhỏ ngoài biển (trừ vùng núi cao trên 1500 mét).

Trước đây y học cổ truyền dùng toàn cây vòi voi làm thuốc trừ phong thấp, tiêu viêm rất hiệu quả, nên các sách thuốc có nhiều bài thuốc uống chữa phong thấp. Năm 1969, các nhà khoa học phát hiện một số alcaloid trong cây vòi voi có độc tính cao với gan, gây hủy hoại tổ chức gan và có thể gây ung thư. Độc tính này không thể hiện ngay khi uống mà xuất hiện một cách âm ỉ kéo dài khó phát hiện. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo không dùng vòi voi làm thuốc uống.

Hải cẩu thận: Là tinh hoàn và dương vật của con Báo bể hoặc con Chó bể. Báo bể – Callorhinus ursinus là loài thú ăn thịt sống trên cạn nhưng săn mồi dưới biển. Chó bể – Phocovitulina – chuyên sống dưới nước. Cả 2 đều sống ở xứ lạnh Bắc cực, Nam cực. Tác dụng: tăng cường sinh dục, chữa liệt dương   (thường được phối hợp với nhiều loại thuốc chế thành biệt dược bán trên thị trường).

Nấm ngọc cẩu (củ Dó đất, củ Cu chó, Hoa đất, Xà cô): Tên khoa học: Balanophora fungosa J.Ret G. Forst. Subsp, họ: Dó đất (Balanophoraceae). Nấm sống ký sinh trên rễ những cây khác như cây gỗ, dây leo trong rừng ở độ cao 500- 2600m (so với mặt nước biển). Thân thoái hóa thành củ, có nhiều dạng khác nhau (nên nhiều người nhầm là nấm). Ở Việt Nam, thấy mọc tại miền núi các tỉnh như: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Quảng Nam, Kon Tum,  Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, An Giang.

Kinh nghiện dân gian dùng nấm ngọc cẩn làm thuốc giảm đau (đau bụng, đau toàn thân). Có người gọi Dó đất  là Tỏa dương được rao bán trên mạng, dùng chữa yếu sinh lý với công dụng bổ tinh, cường tráng, mạnh gân cốt (đó là nhầm lẫn vì cây Tỏa dương cũng có tên là Nấm ngọc cẩu nhưng chỉ mọc ở vùng cao lạnh khắc nghiệt, sống trên rễ các loài cây chịu mặn  có ở Nội Mông, Cam túc, Thanh Hải, Tây Tạng Trung quốc. Cây Tỏa dương  và cây Dó đất thuộc 2 họ thực vật khác nhau)

Ngoài ra, còn có cây thuốc mang tên chó như: Cây bọ chó, cây chó đẻ hoa vàng (Hy thiêm), cây chó đẻ răng cưa (có 2 loại ngọt và đắng), cây máu chó, cây óc chó và cây vú chó.

  Ds Trần Xuân Thuyết (Nguyên Công ty dược liệu TƯ1)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top