Hùng đởm (mật gấu) có tác dụng chính là hoạt huyết, hành huyết, khứ ứ, tán ứ huyết bình can, tức phong, minh mục. Về cơ bản y học cổ truyền chỉ sử dụng mật gấu chữa bệnh chấn thương ngoài da, ít dùng để uống. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế, ngành kinh doanh mật gấu đã đẩy loài gấu đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Hơn nữa, quy trình hút mật ở các cá thể gấu bị nuôi nhốt thường không đảm bảo vô trùng, và mật gấu từ các cá thể gấu bị nuôi nhốt ẩn chứa một lượng vi khuẩn cao.
Ở Việt Nam đã có một số trường hợp tử vong có liên quan đến uống mật gấu. Ngoài ra, một số triệu chứng nhiễm độc do dùng mật gấu như: tổn thương gan và thận, vàng da, chán ăn, mệt mỏi, mắt đỏ, cơ thể đau nhức, hồng cầu trong nước tiểu…
Để bảo vệ loài gấu thuộc nhóm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nghiêm cấm săn bắt, bắt giữ nuôi gấu trái phép, buôn bán các sản phẩm từ gấu, bao gồm cả mật gấu, hãy sử dụng các loại thảo dược trị đau khớp, đau lưng sau thay cho mật gấu:
Quế: Trong Đông Y từ xa xưa, cây quế đã được xem là 1 trong 4 vị thuốc quý chữa được bách bệnh cùng với sâm, nhung và phụ. Quế mọc hoang trong rừng hoặc được trồng ở nhiều nơi thuộc các tỉnh có rừng núi. Bóc vỏ thu hái vào mùa hạ, mùa thu, để râm mát, thoáng gió cho khô dần, có thể cất lấy tinh dầu. Bộ phận dùng làm thuốc: vỏ thân gọi là nhục quế, vỏ cành gọi là quế chi, đầu nhọn cành gọi là quế chi tiêm.
Vỏ quế dầu tanin (5%) và chứa tinh dầu 1,2 – 1,5%, trong tinh dầu lại chứa aldehyd cinnamic (giá trị của tinh dầu quế phụ thuộc vào tỷ lệ hoạt chất này cao hay thấp 65 – 95%). Không có eugenol nhưng có một lượng nhỏ axit cinnamic, acetat cinnamyl và o-methoxycinnamaldehyd, còn có cinnzeylanol và cinnzeylanin. Có vị cay, ngọt, tính nóng (quế chi càng cay nóng) mùi thơm, vào các kinh: Tâm, can, thận, bàng quang.
Tác dụng: Quế chi giải biểu, tán hàn, chỉ thống; Nhục quế: ôn trung tán hàn, tán ứ, chỉ thống, hoạt huyết, thông kinh; Quan quế: ôn bổ trung tiêu, chỉ tâm thống. Công dụng: chữa chấn thương tụ huyết, bế kinh, thống kinh, ngoại cảm phong hàn, đau bụng, ỉa chảy do lạnh, đau khớp, đau lưng, đau vùng ngực do lạnh hoặc huyết ứ.
Liều lượng, cách dùng: 2 – 6g hãm với nước sôi để uống, hoặc 4 – 12g dạng thuốc sắc, có thể ngâm rượu để uống. Chú ý: không dùng cho phụ nữ có thai.
Đan sâm: Là một cây thuốc quý, dạng cây thảo, sống lâu năm, cao chứng 40-80cm, thân màu đỏ nâu, đường kính 0.5- 1.5cm. Lá kép mọc đối, thường gồm 3-7 lá chét; lá chét giữa thường lớn hơn, mép lá chét có răng cưa tù; mặt trên lá chét màu xanh tro, có lông.
Hoa mọc thành chùm ở đầu cành, dài 10-15cm, với 6 vòng hoa; mỗi vòng 3-10 hoa, thông thường là 5 hoa, màu đỏ tím nhạt. Tràng hoa 2 môi, môi trên cong hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ ba thùy; 2 nhị ở môi dưới; bầu có vòi dài. Quả nhỏ, dài 3mm, rộng 1,5mm. Ra hoa tháng 4-6, kết quả tháng 7-9. Cây được di thực vào Việt Nam trồng ở Tam Đảo (Hà Nội) và một số tỉnh trung du. Đào rễ vào mùa đông, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô. Rễ củ gọi là Đan sâm.
Đan sâm có vị đắng, tính hơi hàn, vào các kinh: tâm, can. Công năng: Khứ ứ chỉ thống, hoạt huyết thông kinh, thanh tâm trừ phiền. Công dụng: chữa khí huyết tích tụ, ung nhọt sưng đau, kinh nguyệt không đều, rong kinh đau bụng, tử cung xuất huyết, người gày xanh xao vàng da, ăn uống, thất thường, tâm thần hoảng hốt hoặc điên cuồng; Chữa đau nhức xương khớp, phong tê thấp; Chữa đơn độc ghẻ lở; Còn dùng làm thuốc bổ máu cho phụ nữ và trẻ em.
Liều dùng: ngày dùng 6 – 12g, dạng thuốc sắc hoặc dùng rượu xoa bóp.
TTND.BS cao cấpTrần Văn Bản
(Chủ tịch TƯ Hội Đông y Việt Nam)