Không ngờ trầm cảm xảy ra với mình
Mới đây, hai nam sinh tại TPHCM đã tự tử tại gia đình do trầm cảm.
Trước đó, trong tháng 10, Công an quận 2, TPHCM cũng xác nhận có sự việc 2 học sinh là chị em sinh đôi của một trường quốc tế tại địa bàn quận tự tử.
Theo thống kê, mỗi năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 20 trường hợp trẻ em uống thuốc độc tự tử. Tại Việt Nam, tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở người trẻ tuổi, xếp sau nhóm nguyên nhân do tai nạn giao thông.
Trong số những học sinh tự tử, không ít liên quan tới căn bệnh trầm cảm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu ý đến ba nhóm người thường tự tử do trầm cảm là nhóm vị thành niên và thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (đặc biệt là sau khi sinh con) và người cao tuổi (trên 60 tuổi).
Mới đây, trên một diễn đàn trên mạng xã hội có đăng tâm sự của một nữ sinh lớp 11: “Trước đây, tôi cứ nghĩ căn bệnh trầm cảm là xa lạ lắm, Nhưng giờ, tôi không ngờ nó lại đang xảy ra với mình, mà tôi không có cách nào cản nó lại... Tôi thật sự sắp không thể cố gắng được nữa rồi. Tôi chỉ mong được ngủ một giấc dài thật là dài và đi một nơi thật xa, trốn khỏi những áp lực giày xéo tâm hồn tôi mỗi đêm”.
Trong số những vụ việc trẻ em tự tử, rất nhiều vụ, chỉ khi con trẻ để lại lá thư tuyệt mệnh, thì phụ huynh mới biết được tâm sự thầm kín trong lòng con. Và vì thế, đã không kịp thời chia sẻ, cùng con vượt qua được những khó khăn.
Ngay cả với các ca bệnh trầm cảm, thì người nhà hoặc là không phát hiện ra, hoặc cũng không lường trước được những hành vi của con trẻ.
Trong một số trường hợp, trẻ được đưa đến bệnh viện thì đã ở trong giai đoạn bệnh nặng, khiến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn, thậm chí để lại những hậu quả đáng tiếc. Lý do là vì, khi nhắc tới căn bệnh liên quan tới “tâm thần”, mọi người vẫn còn có tâm lý e ngại, lo sợ con bị “thần kinh”, bị chế giễu, chê cười.
Vậy, cần phải hiểu về căn bệnh này như thế nào? PGS. TS. Nguyễn Kim Việt, nguyên Trưởng Bộ môn Tâm thần, ĐH Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, sức khỏe của con người gồm có ba thành phần: sức khỏe cơ thế, sức khỏe tâm thần và sức khỏe về mặt xã hội học.
Cùng với sự phát triển cả con người, sức khỏe tâm thần ngày càng đóng vai trò quan trọng. Và trong sức khỏe tâm thần, rối loạn phổ biến nhất là trầm cảm.
Theo nghiên cứu thống kê, 3 -5% dân số mắc bệnh trầm cảm. Và 10 – 15% dân số một lúc nào đó trong cuộc đời mắc bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, căn bệnh này lại chưa được biết đến một cách đầy đủ.
Trong cuộc sống, không ít lúc chúng ta cảm thấy buồn chán, mất phương hướng, không còn hứng thú với bất cứ điều gì. Nhưng liệu đó có phải là trầm cảm không?
Theo BS Việt, nỗi buồn là điều mà tất cả chúng ta đều trải qua, một phản ứng hoàn toàn tự nhiên và lành mạnh của con người khi đối mặt với những thời điểm khó khăn trong cuộc sống và thường sẽ trôi qua cùng với thời gian.
Nhưng trầm cảm thì khác, đó là một vấn đề sức khỏe tâm thần. Nếu nỗi buồn vượt ra ngoài sự kiểm soát, buồn mà không vui trở lại được, thì có thể là một dấu hiệu của trầm cảm.
Vậy, các bậc phụ huynh sẽ căn cứ vào đâu để nhận biết con đang có những dấu hiệu rối loạn tâm thần, cần sự giúp đỡ? Theo BS Việt, có ba dấu hiệu cần phải lưu ý tới. Đầu tiên là về khí sắc. Ví dụ như sắc mặt kém tươi, nhăn nhó, ủ dột. Thứ hai là mất dần những quan tâm tới xã hội. Và thứ ba là mất năng lượng, rất dễ mệt mỏi.
Trầm cảm là một trạng thái ức chế toàn diện các hoạt động tâm thần trong đó có cả cảm xúc, tư duy và hành vi. Trầm cảm là bệnh lý, khác hẳn nỗi buồn là trạng thái tâm lý. Và điều quan trọng nữa, trầm cảm là bệnh lý của bộ não.
Và khi nhận ra con có các dấu hiệu của bệnh, đặc biệt là tự tử thì theo lời khuyên của PGS. TS.Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục - Trường ĐH giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, cha mẹ cần lập kế hoạch an toàn cho con, ở bên cạnh con 24/24.
Cha mẹ cần cố gắng thuyết phục để đưa con đến gặp bác sĩ hoặc nhà tâm lý, hoặc bệnh viện gần nhất. Loại bỏ các đồ vật sắc nhọn, dây thừng, thuốc cũng như bất cứ thứ gì xung quanh con, những thứ khiến con có thể dùng để tự tử.
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến và tương đối nghiêm trọng. Nó không khác gì bệnh tiểu đường hay bệnh tim và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày như ăn uống, ngủ, làm việc, giao tiếp với mọi người. Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2015 có khoảng 4,4% dân số thế giới mắc trầm cảm (tương đương 322 triệu người).