Nguyễn Thị T. 13 tuổi (Phú Thọ) tự nhiên buồn bã, hay cáu giận, bồn chồn, đau đầu, mất ngủ..., khi ngủ thường hay la hét và sợ ma. Gia đình nghĩ em bị ma nhập nên tích cực mời thầy về cúng lễ. Bệnh chẳng khỏi mà ngày càng nặng thêm. Đến khi em có ý định tự tử, gia đình phát hiện ra mới đưa đi khám thì biết em bị trầm cảm.
Lời bàn: Theo TS.BS Đỗ Minh Loan, Phụ trách khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên. Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.
Biểu hiện của bệnh rất đa dạng: Cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc vô vọng; Giận dữ, cáu kỉnh hoặc thất vọng chỉ với những vấn đề rất nhỏ; Mất hứng thú hoặc niềm vui trong hầu hết hoặc tất cả các hoạt động bình thường, chẳng hạn như sở thích hoặc thể thao; Rối loạn giấc ngủ, bao gồm mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều; Mệt mỏi, giảm sự thèm ăn và giảm cân hoặc ngược lại tăng cảm giác thèm ăn và tăng cân; Lo lắng, kích động hoặc bồn chồn; Suy nghĩ chậm chạp, kém tập trung; Cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội; Có suy nghĩ về cái chết, ý nghĩ tự tử, cố gắng tự tử hoặc tự tử; Có các vấn đề về cơ thể không giải thích được như đau lưng hoặc đau đầu...
Vì vậy, nếu gia đình thấy con có một trong các biểu hiện trên nên đưa đến khám tại các bệnh viện để được tư vấn và hỗ trợ, tránh để lâu bệnh nặng ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần.