Theo cụ, để sống khoẻ thì tinh thần phải thoải mái, tự do, mãn nguyện với những thứ mình đã đạt được.
Trận thương hàn tưởng chết
Cụ Bùi Quốc Ngạn sinh năm 1917 tại Nam Định, hiện cụ đang sinh sống tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cụ là con trai thứ 3 trong gia đình có 3 anh em trai. Cha mất sớm từ khi cụ khoảng 9 – 10 tuổi. Là cháu nội của Cụ Thượng Thư Bùi Văn Dị, nên lúc nhỏ được nuôi dưỡng và ăn học đầy đủ.
- Năm nay cụ Ngạn đã gần trăm tuổi
Trước Cách mạng tháng Tám cụ lập gia đình và sống ở Hà Nội. Gia đình bên vợ làm nghề thuốc Đông y và cụ làm nghề tự do. Năm 1946 khi toàn quốc kháng chiến, cụ đưa gia đình về quê ngoại ở Yên Mô, Gia Khánh, Ninh Bình và dạy học ở trường Hoa Lư, Ninh Bình.
Từ 1949 cụ chuyển vào dạy học ở trường Nguyễn Khuyến, sau đổi là Hồ Tùng Mậu ở Go, Thiệu Hóa, Thanh Hóa và đầu năm 1953 chuyển sang dạy ở trường cấp 2, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa.
Cụ Bùi Quốc Ngạn là thân sinh của GS.TS Bùi Công Hiển, PGS.TS Bùi Công Quang và cử nhân Bùi Công Chính cùng 3 cô giáo cấp 3 (Bùi Thị Hiền, Bùi Thị Thanh và Bùi Cẩm Tú). Cả gia đình theo nghiệp giáo dục là niềm vinh dự, tự hào lớn của cụ Bùi Quốc Ngạn.
Đầu 1954 cụ bị ốm thương hàn tưởng chết. Nhưng nhờ sự chăm sóc chu đáo của cụ bà (lúc đó cụ bà đã có 4 con) và y sĩ địa phương cụ đã qua khỏi. Năm 1955 – 1956 Cụ day học ở Thị xã Thái Bình. Năm 1956 – 1958 cụ là cán bộ được cử đi học Khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Từ 1959 đến lúc nghỉ hưu (1985) cụ dạy ở trường Lý Tự Trọng, Nam Định; trường Trung cấp 7+3 Nam Định…Cụ được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 3 và Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất
GS.TS Bùi Công Hiển, con trai cụ cho biết, trong suốt thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp và trong thời gian chống đế quốc Mỹ, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, vì đông con (6 người con) và chỉ dựa vào tiền lương của cụ ông.
- Thú vui tuổi già của cụ dồn hết vào thơ văn
Cụ bà và các con có làm thêm một số việc nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Cuộc sống thanh đạm, nhưng mọi thành viên trong gia đình đều yêu thương lẫn nhau. Không ai kêu ca, phàn nàn. Con cái chú tâm học tập. Tính tự lập cao.
Bố mẹ không phải nhắc nhở, thúc giục. Cụ bà luôn là tấm gương cần cù lao động, sống nhân hậu để con cái noi theo. Cụ ông không phải lo lắng gì về con cái. Ăn uống trong gia đình thì đạm bạc.
Cụ bà rất khéo chế biến thực phẩm, vì vậy, dù không có thịt cá đầy đủ, nhưng bữa cơm nào gia đình cũng vui vẻ, đầm ấm. Con cái luôn vâng lời bố mẹ. Anh chị em hòa thuận, thương yêu lẫn nhau.
Ham mê thơ văn
Cụ Ngạn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng. Cụ nói, cuộc sống của cụ được như ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Cụ sống đạm bạc. Không ham mê các thú vui tầm thường như nhậu nhẹt, cờ bạc. Là giáo viên văn, nên cụ ham mê thơ, văn.
Rất say mê, tâm huyết khi giảng văn cho học sinh. Cụ giáo dục con cái dựa trên tính tự giác của các con là chính. Có góp ý, định hướng cho các con nhưng không áp đặt, lấy quyền làm bố để quyết định mọi việc. Đối với các cháu nội, ngoại, cụ hết lòng yêu thương, giúp đỡ gia đình các con không nề hà một việc gì.
“Người cao tuổi uống một lượng bia chừng mực rất tốt cho sức khoẻ. Bia giúp làm sạch hệ tiêu hoa, cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin, giúp tăng cường sức khoẻ. Ngoài ra, uống bia ở lượng vừa phải còn giúp cho tinh thần sảng khoái, chống mệt mỏi.
Còn hút thuốc lào thì là thói quen xấu cần phải bỏ, tuy nhiên do một số người quen quá lâu thành nghiện nên rất khó bỏ”.
— Lương y Vũ Quốc Trung, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam —
Theo lời của các con, cụ ông và cụ bà sống với nhau rất hòa thuận. Cụ bà là một phụ nữ Việt Nam điển hình. Tận tình với chồng con. Cụ hy sinh thầm lặng. Không bao giờ trách mắng con cái, kêu ca phàn nàn với chồng. Cụ bà lấy tình yêu để cảm phục con cái và chính tình yêu ấy đã giúp các con sống nhân văn hơn, trưởng thành hơn.
Cụ bà là chỗ dựa tinh thần hết sức quan trọng đối với cụ ông. Hiện nay cụ ông đang sống cùng với cô con gái thứ 5 ở TP Vũng Tàu. Mọi sinh hoạt của cụ được 3 con gái ở Vũng Tàu chăm sóc cẩn thận, chu đáo. Bữa ăn cũng rất đơn giản theo sở thích của cụ.
Cụ có thể tự vận động đi lại, tự thực hiện các việc vệ sinh cá nhân, tự tắm, trừ những lúc bị ốm thì phải có người giúp đỡ. Đầu óc của cụ vẫn rất minh mẫn. Vẫn nhớ từng con, cháu, chắt và luôn nhắc nhở con, cháu, chắt đạo lý làm người.
- Cụ Ngạn đông con lắm cháu, trong đó có 2 người con là tiến sĩ
Cụ bà mất năm 2002, thọ 84 tuổi. Sau khi cụ bà mất, cụ ông cũng bị sốc một thời gian. Cụ ông luôn nhớ về cụ bà, nhưng nhờ sự giúp đỡ của con cháu, dần dần cụ ông cũng nguôi ngoai đi.
Con cháu thường qua lại thăm hỏi cụ, chuyện trò với cụ để cụ không cảm thấy cô đơn. Những ngày lễ, Tết con cháu lại tụ họp, chúc mừng cụ, cụ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ nhiều hơn.
Mỗi ngày uống 1 – 2 lon bia
Ăn uống của cụ đơn giản. Thường ăn cơm và ăn mỳ. Chế độ ăn bây giờ do cô con gái thứ 5 quyết định. Nhưng luôn đảm bảo đủ chất trong bữa ăn. Cụ ít ăn rau. Cụ không ăn cá. Từ khoảng 80 tuổi cụ thích uống mỗi ngày 1 – 2 lon bia. Qua tìm hiểu thì được biết việc uống bia không có hại gì, nên các con chiều ý cụ, để cụ uống theo sở thích.
Mỗi bữa cơm cụ uống 1 lon, vào những ngày nắng nóng hoặc khi cụ muốn uống thêm, các con cũng chiều theo ý cụ. Đặc biệt, cụ thích uống nước coca nhưng vì nó là loại nước ngọt, sợ có hại cho cơ thể nên các con hạn chế cụ uống. Cụ có hút thuốc lào suốt mấy chục năm qua.
Hiện nay đã hạn chế rất nhiều việc hút thuốc lào nhưng vẫn không bỏ hẳn được. Do cao tuổi nên cụ ít khi đi xa. Khi được hỏi cụ thích sống ở đâu, thì cụ nói thích nhất ở Vũng Tàu. Vì khí hậu ở đây rất thuận lợi, không quá nóng cũng không quá lạnh.
Hiện, các cô con gái thứ 2, 4 và 5 trực tiếp chăm sóc cụ. Trực tiếp theo dõi sức khoẻ của cụ và đáp ứng những yêu cầu ăn uống, sinh hoạt của cụ. Cụ sống rất hài lòng với sự chăm sóc của con gái. Con trai chỉ giúp cụ về mặt tinh thần. Cụ tự hào là có con trai trưởng thành, có ích cho xã hội.
(còn nữa)
Phong Lâm