Bí quyết trường thọ – Kỳ 1: Làng trường thọ giữa Hà Nội
Bí quyết trường thọ – Kỳ 2: Uống nước trà xanh tinh thần thêm khỏe
Khi hỏi về mục đích ông thường vui vẻ bảo rằng, để tuổi già được vui vẻ và thỏa mãn tâm nguyện của bản thân. Có lẽ vì thế mà đến tầm tuổi này ông vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn.
- Tấm bằng khen của ông Định vì những việc tốt đã làm
Chúng tôi đến gặp ông Hà Xuân Định khi ánh nắng chiều chuẩn bị tắt. Trong khoảng sân nhỏ, ông Định đang loay hoay sửa chiếc xe đạp đã cũ. Ông bảo rằng, chiếc xe đã theo ông “chinh chiến” suốt hơn chục năm, nay người già, xe cũng đã hỏng nên thường xuyên phải sửa chữa, thay thế phụ tùng.
Ấy thế mà, ở cái tuổi gần 90, ông vẫn thoăn thoát tháo lắp những phụ tùng như thanh niên 20. Thi thoảng ông lại kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cuộc đời mình, về những dự định của ông lão sống cái tuổi “gần đất xa trời”.
Đạp xe khắp miền Bắc
Ở xã Vân Từ, ai cũng biết ông Định vì có tấm lòng quảng đại, cưu mang được nhiều hoàn cảnh bất hạnh giúp họ tìm thấy con đường tương lai. Sau hơn 15 năm lặn lội, ông đã giúp được hơn 2.000 số phận tìm được nơi chốn bình yên. Có lẽ, đây là “thành tích” đáng nể của cụ ông mà nhiều người phải khâm phục. Ông Định bảo, ông bén duyên với công việc cứu giúp mọi người vì đó là tâm nguyện để đời của mình.
Ông mồ cô cha từ năm 13 tuổi. Sống trong sự yêu thương, che chở của mẹ và các anh chị trong gia đình. Vì thiếu tình thương của cha và sống trong cảnh thiếu thốn nên ngay từ bé ông đã có mong muốn giúp đỡ những thân phận có hoàn cảnh như mình.
Tuy nhiên, hồi đó vì khó khăn nên ông Định không thể hoàn thành được tâm nguyện. Mãi tới sau này, khi cuộc sống ổn định, con cái đều trường thành ông mới bắt tay vào công việc “giúp ích cho đời. Khi đó, ông Định cũng bước sang tuổi thất tuần.
- Ông Định bên chiếc xe đã cũ qua thời gian
Mặc dù tuổi cao, sức khỏe có hạn những ông không quản ngại bất kỳ điều gì. Ban đầu, để đưa các em khuyết tận về HTX dạy nghề Ngọ – Hạ làm việc ông phải lặn lội đi khắp các miền quê.
Nhiều khi đến nơi bị người ta cho là lừa đảo, đuổi đi nhưng ông cũng không ngại khó, ngại khổ. Để giúp đỡ được các số phận bất hạnh, có ngày ông phải đạp xe hàng chục cây số. Nhiều người cho rằng ông “dở hơi” vì ở tuổi ông người ta chỉ lo an dưỡng tuổi già mà ông lại thích “vác tù và hàng tổng”.
Nhưng khó khăn nhất với ông, không phải ở những chuyến đạp xe dài mấy chục cây số mà là làm sao vận động được các em, làm sao để gia đình các em tin tưởng, gửi gắm con cái họ cho ông. Có nhiều trường hợp, ông phải đi đi, về về đến mấy lượt mới đưa được các cháu về cơ sở học nghề. Có gia đình khi thấy ông quay lại lần thứ hai, liền đuổi ông ra khỏi nhà.
“Có những khi tôi xa nhà đến cả tháng trời. Tôi đã phải ăn, ngủ ở nhà dân. Hàng ngày phải đi hết xã này lại sang thôn kia, giải thích cho người dân bằng hiểu, bằng tin mới chịu về. Ban đầu, vợ và các con tôi cũng phản đối ghê lắm. Các con sợ tôi tuổi đã cao, đạp xe xa như vậy ảnh hưởng tới sức khỏe mà lại không an toàn”, ông Định chia sẻ.
Ông cùng chiếc xe đạp cũ đã đi khắp các huyện ở Hà Tây cũ, thậm chí sang cả Thái Nguyên, Hà Nam, để “chiêu sinh” các em về trung tâm dạy nghề. Mặc dù làm việc không công nhưng ông vẫn rất thích thú, bởi lẽ ông hoàn thành được tâm nguyện từ thời trẻ của mình.
Tâm hồn thanh thản bước tới “tuổi giời”
Ông Định bảo, có lẽ vì trời thương mình làm việc thiện nên chưa bao giờ ông ốm đau. Có lần, vào năm 2008, giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa hè, khi đang đạp xe trên đường về xã Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội), ông bị một tốp học sinh đi ẩu xô ngã và phải nằm viện hơn 20 ngày.
Mặc dù vậy sau khi xuất viện sức khỏe của ông vẫn rất tốt. Sau lần ấy, gia đình có khuyên ông từ bỏ ý định, giao công việc cho người khác nhưng ông không chịu. “Tôi còn sức khỏe thì còn đi làm việc thiện giúp người”, ông Định chia sẻ thêm.
Không những có sức khỏe tốt mà ông Định còn có trí nhớ tuyệt vời. Ông còn nhớ như in những kỷ niệm với các trẻ em khuyết tật mà ông từng đưa về trung tâm hướng nghiệp. Hơn 2.000 đứa trẻ là từng ấy câu chuyện mà ông vẫn nhớ và kể cho mọi người nghe mỗi khi được nhắc đến.
Với những em thành đạt, lập gia đình nhưng mỗi khi gọi điện, chỉ cần nói tên là ông nhớ đó là ai, thành đạt như thế nào. “Tôi vẫn theo bước chân từng cháu một. Chỉ khi chúng trưởng thành nên người, có công ăn việc làm ổn định mới yên tâm được.
Nhiều hôm nửa đêm chúng nó gọi điện hỏi ông có nhớ cháu không. Ban đầu thì chưa nhận ra nhưng nghe vài câu thì biết nó là ai liền. Hai ông cháu lại nói chuyện tâm sự cả đêm”, ông Định nói.
- Ông Định bên chiếc xe đã cũ qua thời gian
Hàng ngày, ông dậy từ 5 giờ sáng đi dạo một vòng quanh làng để thưởng thức không khí trong lành. Ông bảo rằng đi như thế vừa khỏe người vừa thăm được bà con trong vùng nên rất thích đi. Mỗi lần ngồi một chỗ trong nhà là cứ cảm thấy bí bách, khó chịu.
Cứ đều đặn, khi trời còn chưa sáng ông đã lọ mọ dạy chuẩn bị sổ sách, cùng với chiếc xe đạp cũ lên đường tìm kiếm những số phận bất hạnh. Suốt 15 năm qua, ông đều đặn làm công việc từ thiện như vậy. Những ngày ở nhà, ông thường giúp đỡ bà Nguyễn Thị Bòng (75 tuổi), vợ ông những việc lặt vặt trong gia đình. Dù đã gần 90 nhưng ông không quản ngại chuyện gì, việc tới tay là ông làm nên luôn khỏe mạnh, minh mẫn.
Miệt mài làm từ thiện dù đã bước đến “tuổi giời”, ông Định cũng có cả chục con cháu để vui vẻ tuổi già. Những lúc con cháu đi đâu về nhà quây quần bên nhau là ông lại nhắc nhở rằng anh em phải biết quý mến nhau, chăm chỉ lao động để có sức khỏe được như ông.
Được như thế thì ông cũng cảm thấy vui vẻ mà sống thọ được để xem con cháu của mình thành đạt. Ông bảo rằng chỉ cần sống thoải mái, vui vẻ, đừng nên vướng bận điều gì quá, không suy nghĩ nhiều sẽ sống thọ được như nội.
Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Hữu Toản, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tâm lý thoải mái góp phần quan trọng giúp con người tăng tuổi thọ. Người ta nhận thấy sức khỏe liên quan mật thiết tới trạng thái tâm lý và hoàn cảnh xã hội. Cơ thể mỗi người phản ứng tùy theo những hàng động, cảm xúc và suy nghĩ của họ. Căng thẳng dễ bị cao huyết áp hoặc đau dạ dày.
Trạng thái tâm lý không thoải mái, không ổn định có thể làm dẫn đến suy giảm hệ thống miễn dịch, dễ cảm lạnh và nhiễm trùng. Nó cũng làm cho người ta lười vận động, không muốn ăn, thậm chí không muốn dùng thuốc dù thuốc đó đã được thầy thuốc chỉ định. Vì thế, tâm lý thoải mái là cảm xúc tích cực khiến bạn cảm thấy an lành và hạnh phúc, và đó cũng là bí quyết để sống khỏe sống vui, sống có ích”.
(Còn nữa)
Cao Nguyên