Ở Đa Sỹ, tôi có gặp mấy trường hợp khá lạ lùng. Người thì uống nước lã vẫn khỏe mạnh dù tuổi đã bước sang 96. Người khác lại chỉ uống nước ngọt rồi ngồi một chỗ mà vẫn minh mẫn khi tuổi đã 95. Người khác lại chỉ có hai việc: Ăn và đi chơi, khi tuổi đã gần đất xa giời.
Cả đời uống nước lã
Ông Phạm Văn An, Chủ tịch hội Người cao tuổi phường Kiến Hưng, khi tiếp chúng tôi đã tỏ ra khá tự hào về các cụ trường thọ ở địa phương mình. Tuy số lượng người được coi là trường thọ, tức từ 90 tuổi trở lên không phải là nhiều nhưng xét về góc độ dị biệt về bí quyết sống thì có lẽ lại là một sự độc đáo, lạ lùng.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là cụ Nguyễn Duy Nhâm, 96 tuổi ở tổ 6. Thấy khách vào, cụ tươi tỉnh hẳn. Chỉ nghe tiếng, chưa thấy người mà cụ đã nhận ra ai là người quen, ai là khách lạ.
- Cụ Nhâm năm nay đã 96 tuổi.
Cụ hỏi tôi: Anh đến có chuyện gì quan trọng không? Chúng tôi trả lời là không có chuyện gì quan trọng cả, chỉ là đến hỏi thăm sức khỏe cụ và cũng tò mò muốn hỏi bí quyết ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của cụ thôi.
Cụ Nhâm nghe xong, cười cười rồi dõng dạc nói với khách: Ồ! Quý hóa quá, cảm ơn các anh. Nhưng các anh cũng thứ lỗi cho, già chẳng có bí quyết gì ngoài cái sự uống nước lã.
Cụ Nhâm dù ở cái tuổi hiếm, nhưng xem chừng thân thể còn mạnh khỏe lắm. Chân tay với người cao tuổi nhẽ ra là cứ teo dần đi chỉ còn da bọc xương, nhưng cụ Nhâm thì không vậy. Nước da vẫn đen, mà không đen thường đâu, đen bóng là đằng khác.
Chân tay không teo mà vẫn căng đầy, chân còn bắp nổi cuộn. Cụ đã dùng đến gậy nhưng chỉ là để dò đường vì mắt hơi mờ, chứ chân tay chưa run đến độ phải dựa vào batoong.
Tiếng cụ vẫn còn đanh thép lắm. Mà tiếng nói, theo ngành y học phương Đông ta gọi là khí, nghe khí là biết đến sức lực bên trong: “Cả đời tôi chỉ có một thứ nghề là thợ cày. Nhờ nghề này mà tôi nuôi được gia đình với 5 trai, 2 gái”.
Cụ Nhâm nói: “Làm anh thợ cày thì tiện gì ăn nấy, uống nấy chứ có phải chuẩn bị chu đáo cái gì đâu. Thú thực với anh, cả đời tôi chỉ uống nước lã, có khi uống nước sông đấy. Nhưng cũng chưa bao giờ bị thổ tả vì uống nước lã. Chuyện này, tôi không bịa vì cả làng Đa Sỹ này đều biết mà”.
Ông An quay sang tôi, xác nhận: “Đúng đấy! Cụ là thợ cày chuyên nghiệp được coi là khỏe nhất Đa Sỹ. Cụ ăn uống cũng đơn giản, không uống trà mà chỉ thích nước lã”.
- Cụ Nhâm thích uống nước lã, không uống trà.
Khi ông An đang nói, dường như cụ Nhâm chợt nhớ ra điều gì: “Ấy quên mất, các anh vào mà tôi chưa rót nước. Nhà có ấm nước mưa ngon và ngọt lắm. Nhưng nếu uống trà thì nhà vẫn có đấy, đứa cháu cho mấy gói tôi không uống nên chắc sắp mốc rồi”.
“Hội chúng tôi có 2.723 cụ. Trong đó, có 5 cụ tuổi 90 trở lên và 374 cụ tuổi trên 80. Chúng tôi có một thuận lợi, là dù cao tuổi nhưng các cụ vẫn rất nhiệt huyết với các phong trào và công tác xã hội”.
— ông Phạm Văn An, Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Kiến Hưng —
Cụ bảo, giờ ăn uống ngày ba bữa vẫn tốt. Mỗi bữa ăn được một bát cơm, bữa tối làm thêm nửa chén rượu. Cụ không uống bia vì chê nhạt. Còn thịt, cá, rau cỏ thì ăn gì cũng được. Con cháu làm món gì, ăn món đấy chứ cũng không kén chọn, kiêng khem.
Chỉ uống nước ngọt
Trái ngược với bí quyết của cụ Nhâm là cụ bà Hoàng Thị Đông, 95 tuổi ở tổ 7. Cụ Đông nay tai đã nặng, nhưng người đối diện nói to thì cụ vẫn nghe được. Con trai cụ là ông Nguyễn Văn Sơn đã ở tuổi 70, cho biết: “Mẹ tôi chỉ thích uống nước ngọt. Cứ hai ngày uống hết một chai nước ngọt to hơn 2 lít. Cụ không thích uống trà hay nước trắng”.
Cụ Đông nghe con trai nói thì cười cười, bảo: “Tôi chẳng thích đi đâu, chỉ thích ngồi một chỗ quạt cho mát. Trời nóng thế này, lê chân ra ngoài chẳng lợi gì đâu, có khi ốm đấy”.
- Cụ Đông cho rằng, mình khỏe mạnh là nhớ uống nước ngọt có ga.
Theo ông Sơn, năm ngoái cụ ốm một trận thập tử nhất sinh. Con cháu trong họ tưởng cụ sẽ không qua khỏi, với lại bệnh tuổi già nên có thể ra đi bất cứ lúc nào nên chuyện hậu sự đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Nhưng rồi, dần dần cụ Đông hồi lại, khỏe mạnh như thường. Cụ lại đòi uống nước ngọt, mà phải là thứ nước ngọt nào có ga cho cái lưỡi nó tê tê thì cụ mới thích. Chứ loại nước ngọt không ga, cụ xem thường và chê là nhạt, không có vị gì.
“Mẹ tôi thích đồ ngọt lắm. Ngoài nước ngọt thì cụ còn thích các lại bánh ngọt, nhất là bánh quy. Biết là đồ ngọt không lợi cho sức khỏe, nhưng cụ thích thì cũng đành phải chiều. Nhưng xem ra, mẹ tôi càng ăn nhiều đồ ngọt thì lại càng khỏe”, ông Sơn nói.
Chỉ ăn rồi đi chơi
Cách nhà cụ Đông không xa là nhà cụ Hoàng Thị Huỳn, 95 tuổi ở tổ 6. Cụ Huỳn xem ra lại khác biệt với cụ Đông nhiều điểm. Nếu như cụ Đông chỉ thích ngồi một chỗ cho mát, thì cụ Huỳn lại chỉ thích đi chơi.
- Cụ Huỳn lại chỉ thích uống trà mạn.
Hôm chúng tôi đến nhà cụ, ngôi nhà vắng tanh. Cụ Huỳn bảo, con cháu đi vắng hết nên phải ở nhà trông nhà, chứ bình thường con cháu ở nhà thì cụ sẽ đi chơi đến tối mới về ăn cơm.
Cụ Huỳn còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Mắt còn sáng, tai không nặng, chân tay không run nên đi lại cứ thoăn thoắt. Cụ tự tay pha trà mời khách, rồi mình cụ một chén, xoay quanh thổi cho nguội rồi uống.
“Tôi không dám uống nước lã, không thích nước ngọt, chỉ uống trà mạn. Giờ, già rồi nên tiêu hóa không tốt nên chỉ ăn mỗi bữa một bát cơm, ăn với rau dưa chứ không thiết tha gì thịt cá”, cụ Huỳn cho biết.
Cụ Huỳn cũng khoe, từ nhỏ đến giờ chưa biết cảm giác ốm nó như nào. Hồi trẻ, làm việc nhiều nên thi thoảng có thấy mệt, nhưng nằm một lúc thì sức lực lại hồi tỉnh.
- Phường Kiến Hưng có 5 cụ trên tuổi 90, nhưng cụ nào cũng có những cách sinh hoạt độc đáo.
Giờ cụ ăn uống điều độ hơn, nhưng vẫn giữ thói quen ngủ muộn. Đêm nào cũng phải 11 giờ đêm mới vào giường, 4 giờ sáng dậy, buổi trưa ngủ thêm 2 tiếng. Ban ngày, nếu không phải trông nhà, cụ cứ đi chơi các gia đình trong xóm, đến bữa thì về ăn.
“Với nhiều người, nước lã không những không có lợi mà còn có hại cho cơ thể, đặc biệt dễ gây bệnh tiêu chảy. Nhưng có những người do cơ thể thích nghi nên lại có lợi. Nước ngọt có ga cũng thế, vừa dễ gây tăng huyết áp và bệnh tiểu đường, nhưng chúng ta phải hiểu là đường trong máu tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào khả năng chuyển thức ăn thành glucose, gọi là chỉ số đường huyết. Có những người không được ăn đồ ngọt, nhưng có người lại phải tăng cường”, lương y Nguyễn Thị Bình, chủ phòng khám Đông y Thanh Bình (Hà Nội).
(Còn nữa)
Trần Hòa