Hỏi: Sử dụng khẩu trang thế nào để không tạo ra gánh nặng cho môi trường mà vẫn đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch Covid-19, bảo vệ bản thân trước các khả năng lây nhiễm của virus?
Hoàng Thanh Sơn (Hà Nội)
PGS.TS Phạm Văn Nho, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: Khi dịch Covid-19 tái bùng phát, ý thức phòng chống dịch để bảo vệ bản thân là điều quan trọng nhất. Khẩu trang là cách dễ làm nhất nhưng lại hiệu quả rất cao trong công tác phòng dịch. Tuy nhiên, sử dụng khẩu trang cũng cần đúng cách. Không cần phải tích trữ quá nhiều khẩu trang y tế trong nhà, khi tiếp xúc thông thường, chỉ cần dùng khẩu trang vải.
Khẩu trang y tế làm bằng các chất liệu vải không dệt khá bền nên rất khó phân hủy ở môi trường tự nhiên. Khẩu trang y tế bị vứt bừa bãi gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, môi trường biển rất lớn, thậm chí đe dọa đến sự sinh tồn của nhiều loài thủy hải sản. Lượng rác thải từ khẩu trang y tế sau sử dụng gia tăng mạnh đang góp thêm áp lực cho công tác xử lý rác thải. Các loại khẩu trang y tế hiện nay không có khả năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm. Không chỉ là virus Covid-19 mà tất cả những loại vi sinh vật khác từ người có bệnh đều có thể ở trong đó. Sau khi vứt khẩu trang mà không bỏ vào thùng rác sẽ phát tán ra môi trường như trôi theo nước, đi vào đất, bay vào không khí ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh và lây lan bệnh cho người khác.
Do vậy, cần hạn chế sử dụng khẩu trang y tế. Chỉ sử dụng khẩu trang y tế tại các nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, nơi tụ tập đông người. Và khẩu trang y tế chỉ dùng một lần. Sau khi sử dụng, để khẩu trang y tế trong thùng rác có nắp đậy hoặc phải bọc, buộc kín trước khi cho vào thùng rác. Trong những tiếp xúc thông thường, chúng ta có thể dùng khẩu trang vải có thể giặt hằng ngày, dùng xong một ngày có thể giặt phơi khô và hôm sau lại tiếp tục dùng.