Hỏi: Con tôi mới đi học lớp 2 nhưng đã viễn thị. Cháu nhìn xa rõ hơn nhìn gần. Tôi cho cháu đi thử kính, đeo kính vào cháu đọc sách báo như bình thường. Không biết bệnh có nguy hiểm không? Lớn lên có khỏi không?
Nguyễn Thị Lanh (Thái Bình)
BS. Diệu Hương, BV Mắt Việt Nhật trả lời: Viễn thị là một loại tật khúc xạ, ít gặp ở trẻ nhỏ hơn so với cận thị nhưng lại gây ra các rối loạn chức năng thị giác nặng nề. Có hai loại là viễn thị trục và viễn thị khúc xạ, tuy nhiên có thể phối hợp cả hai loại trên.
Với trẻ em, viễn thị sẽ giảm dần độ khi trẻ lớn lên, chiều dài trục nhãn cầu tăng lên, hoặc mắt được tập luyện làm tăng độ khúc xạ của thể thủy tinh. Bình thường, trẻ em mới sinh ra luôn luôn bị viễn thị và độ viễn sẽ giảm dần khi trẻ lớn. Đến 2-3 tuổi, độ viễn khoảng 3 độ. Nếu ở tuổi này, mắt không hoặc ít phát triển thì sẽ bị viễn thị. Viễn thị thường được phát hiện ở tuổi bắt đầu đi học.
Trẻ bị viễn thị thường kêu nhức mỏi mắt, nhìn mờ do mắt phải điều tiết, đến một lúc nào đó gây tình trạng nhược thị. Để khắc phục viễn thị ở trẻ cần cho trẻ đi khám, bác sĩ sẽ hướng dẫn đeo kính kèm chế độ luyện tập mắt tích cực để làm giảm độ viễn thị. Với viễn thị đơn thuần, việc luyện tập có thể lấy lại được thị lực bình thường cho mắt.
PV (ghi)