Ăn gan động vật bổ máu, sáng mắt

Trong Đông y gan động vật được coi là vị thuốc có công dụng “dưỡng huyết, minh mục” (bổ máu, sáng mắt). Tuy nhiên, khi dùng gan động vật chế biến món ăn, cần có những chú ý khi kết hợp để tránh làm mất tác dụng của thực phẩm, cũng như hạn chế những tác hại không đáng có.

Canh gan lợn hạt sen, táo đỏ giúp bổ huyết, sáng mắt.

Phải làm sạch, chín kỹ

TS Hoàng Kim Thanh, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, gan động vật không chỉ chứa nhiều loại vitamin mà chứ một lượng lớn protein. Nhiều nước trên thế giới sử dụng gan để làm các món ăn hàng ngày. Mặc dù gan thể có hàm lượng cholesterol cao nhưng lại rất giàu chất sắt và vitamin rất giúp cơ thể tăng sinh máu và sáng mắt. Các món chế biến từ gan như hấp, xào qua, luộc vừa chín, nấu canh… rất tốt cho người bị thiếu máu, mắt kém.

Theo dinh dưỡng học hiện đại, gan lợn chứa nhiều protein, nguyên tố vi lượng và các vitamin, trong đó sắt và vitamin A là hết sức phong phú, các thức ăn khác không thể sánh được. Người ta ước tính trong 100g gan lợn có chứa tới 12mg sắt. Gan vịt giàu protein, khoáng chất, vitamin và các axit amin thiết yếu, đặc biệt là vitamin A và chất đồng rất quan trọng trong việc xây dựng xương, kích thích hormone, chống oxy hóa.

Gan gà hữu cơ có chứa vitamin B12 có thể ngăn ngừa chứng mất trí nhớ, thúc đẩy tâm trạng và năng lượng, làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể nhưng lượng vitamin A thấp hơn so với gan vịt.

Tuy nhiên, TS Hoàng Kim Thanh cũng cho biết thêm, khi dùng thực phẩm có hàm lượng chất sắt cao, không nên ăn chung một lúc với các chất có vị chua như cải bó xôi, rau dền, măng tươi hoặc uống nước trà đậm… để tránh việc chúng kết thành chất muối khó phân giải, làm trở ngại cho việc hấp thu. Nếu muốn ăn gan gà, phải đảm bảo rằng đó là những lá gan của gà hữu cơ (gà được chăn nuôi hữu cơ thả tự nhiên, ăn ngô thóc, cám sạch) nếu không gan gà có thể chứa đầy các chất kích thích và độc tố.

Khi chế biến gan, cần rửa thật sạch, bóp sạch máu đọng, nấu chín hẳn mới được ăn để loại bỏ các chất độc. Không nên vì muốn ăn gan mềm mà chỉ xào chín tái vì cách nấu này không diệt được vi khuẩn gây bệnh và các ký sinh trùng trong gan. Gan động vật chứa rất nhiều cholesterol nên những người bị rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, mắc bệnh động mạch vành, bệnh gút thì không nên dùng.

Vị thuốc Đông y khuyên dùng

TTƯT Lê Hữu Tuấn, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, theo dinh dưỡng học cổ truyền, gan lợn vị ngọt đắng, tính ấm, có công dụng dưỡng huyết, bổ can, minh mục, rất thích hợp với các chứng can âm huyết hư gây ra tình trạng hai mắt bị khô, nhìn mờ, thị lực giảm sút, chứng khí huyết hư tổn dẫn tới suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh…

Y học cổ truyền phương Đông cho rằng, can và mắt có quan hệ chặt chẽ với nhau, can khai khiếu ra mắt, cho nên việc dùng gan động vật để phòng chống các bệnh về mắt là rất hợp lý. Do vậy trong Đông y có rất nhiều bài thuốc món ăn từ gan lợn để tăng cường sức khỏe chữa trị các bệnh như nói trên.

Canh gan gà, lá dâu non: Nguyên liệu gồm 100 g gan gà rửa sạch, xắt nhỏ, ướp gia vị; 50 g lá dâu rửa sạch, để ráo. Nấu canh gan gà với lượng nước thích hợp. Khi gan gà vừa chín thì cho lá dâu vào, nấu sôi lại là được. Nêm gia vị vừa ăn và ăn nóng trong bữa cơm. Món canh này có công dụng bổ huyết, bổ can thận, giúp sáng mắt, tăng cường thể lực; rất tốt cho trẻ em bị thiếu máu, suy nhược cơ thể.

Gan heo nấu táo đỏ: Nguyên liệu gồm 60 g gan heo rửa sạch, xắt miếng, ướp gia vị; 10 trái táo đỏ, 20 g củ khoai mài rửa sạch, để ráo. Tất cả cho vào chén sành, chưng cách thủy 3 giờ, nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn lúc đói bụng hoặc trong bữa cơm.

Cháo gan heo, đậu xanh: Nguyên liệu gồm 100 g gan heo tươi rửa sạch, xắt miếng nhỏ, ướp gia vị; 60 g đậu xanh và 100 g gạo vo sạch, thêm lượng nước thích hợp để nấu cháo. Đun sôi cháo bằng lửa to ngọn rồi cho ngọn lửa nhỏ dần. Cháo chín thì cho gan heo vào đun sôi, vừa chín là được. Nêm lại gia vị vừa ăn. Dùng ăn nóng lúc đói bụng.

Đức Vinh

Theo Đời sống
back to top