Các bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí cho biết, nhiều trẻ ăn đủ chất, thậm chí ăn nhiều nhưng vẫn còi xương chậm lớn... Đó là do hội chứng kém hấp thu. Có nhiều nguyên nhân gây hội chứng kém hấp thu:
Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện: Trong giai đoạn đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ chưa thể phát triển hoàn thiện, theo đó khả năng miễn dịch rất non kém nên rất dễ mắc phải các hội chứng rối loạn đường tiêu hóa.
Cho trẻ ăn dặm quá sớm: Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cha mẹ không tập cho trẻ làm quen từ từ một loại thức ăn mới, đặc biệt là những thực phẩm có cấu trúc phân tử phức tạp hoặc tính dị nguyên cao như lòng trắng trứng, các loại hải sản.
Thăm khám và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ - Ảnh minh họa |
Chế độ ăn thiếu sự cân bằng giữa 4 nhóm thực phẩm: Chất bột đường, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất cũng có thể dẫn đến tình trạng trẻ hấp thụ thức ăn kém, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Loạn khuẩn ruột: Loạn khuẩn đường ruột là tình trạng hệ vi sinh đường ruột trở nên mất cân bằng. Tình trạng này cũng chính là nguyên nhân làm gián đoạn và giảm hiệu quả quá trình hấp thu dinh dưỡng ở trẻ.
Thiếu enzyme tiêu hóa: Khi có enzym hay men tiêu hóa (tồn tại trong tuyến nước bọt, gan, tụy,...), thức ăn sẽ được chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng dễ dàng hơn.
Có thể nói, vấn đề kém hấp thu chất dinh dưỡng nào đều do nguyên nhân thiếu hụt enzyme tiêu hóa của chất đó. Nên giải quyết vấn đề kém hấp thu là tăng tiết enzyme tiêu hóa, đặc biệt dịch mật để tiêu hóa lipid.
Quá trình kém hấp thu tác động xấu đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Sự suy giảm các vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng quan trọng khác có thể làm trẻ chậm phát triển tinh thần và thể chất, nguy cơ suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch. Do đó nếu trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ kém hấp thụ, thì nên đưa trẻ đi khám và tư vấn dinh dưỡng.