Bé Đ.N.A. (sinh năm 2019 Nghệ An), nhập viện trong tình trạng vết bỏng bị sưng nề, chảy dịch đục, vùng cổ, ngực, bụng, cẳng tay phải bị phồng rộp nước, có phần hoại tử đen, nhiễm trùng nặng.
Nguyên nhân là do cách đây 5 ngày A. bị bỏng nước sôi, nhưng gia đình không cho đi viện mà đến thầy lang lấy thuốc lá trị bỏng về để đắp cho con. Nhưng tình trạng bé không đỡ, càng ngày càng sưng to và đau rát, sốt cao không dứt, nên gia đình mới vội đưa bé đến bệnh viện.
Bé đã được các bác sĩ rửa sạch dịch mủ và vệ sinh sạch sẽ tại vị trí bỏng, đồng thời điều trị toàn thân, truyền kháng sinh, truyền dịch, dùng thuốc giảm đau, mổ cắt lọc hoại tử bỏng và ghép da 2 lần.
Lời bàn: TS.BSCKII Thái Văn Bình, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do đắp thuốc không rõ nguồn gốc. Có những bệnh nhân vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài và tốn rất nhiều chi phí.
Vì vậy, khi bị bỏng, trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, xả vết bỏng dưới vòi nước mát ít nhất 15 phút (tuyệt đối không dùng đá, tránh gây bỏng lạnh), việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm độ sâu của vết thương, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân.
Tuyệt đối không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng. Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để được khám và điều trị, tránh các biến chứng.