Mới đây bệnh nhân N.H.K. (Thái Bình) đến bệnh viện để điều trị bệnh tuyến giáp, các bác sĩ thấy cổ bệnh nhân có nhiều vết sẹo. Hỏi ra mới biết, từ năm 14 - 15 tuổi, bệnh nhân đã được bố mẹ cho đi đắp lá để chữa bướu cổ, kết quả là sẹo chằng chịt và bệnh vẫn không hết. Bệnh nhân này năm nay đã 30 tuổi và đang phải tiếp tục điều trị.
Lời bàn: ThS.BS Mai Văn Sâm, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bướu cổ hay còn gọi là bướu giáp là một bệnh lý phổ biến của tuyến giáp có biểu hiện rất điển hình là có khối lồi lên ở vùng cổ do sự tăng lên về kích thước của tuyến giáp. Bướu cổ có thể do cơ thể thiếu iốt, do rối loạn hoạt động tuyến giáp bẩm sinh có tính chất gia đình.
Để điều trị bệnh, có thể điều trị nội khoa bằng cách sử dụng thuốc nhằm đưa lượng hormon tuyến giáp về mức độ bình thường hoặc điều trị các nhiễm trùng tại tuyến giáp; Xạ trị là phương pháp sử dụng iod phóng xạ có tác dụng làm giảm kích thước của tuyến giáp; Phẫu thuật tùy từng trường hợp sẽ thực hiện cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp… không có chỉ định đắp lá chữa bướu cổ. Việc đắp lá làm bỏng, loét da, cơ, hoại tử, rất đau đớn và bệnh không khỏi.