Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam: Trong vật lý thiên văn hiện đại, có một thuật ngữ được gọi là "siêu Trái Đất" (super-Earth). Thuật ngữ này có thể thấy khá nhiều nếu thường xuyên theo dõi thông tin về việc tìm kiếm các ngoại hành tinh (exoplanet - các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời). Nhiều người nhầm tưởng rằng các nhà thiên văn đã tìm ra một hành tinh rất giống Trái Đất và có thể có sự sống ở đó. Siêu Trái Đất là những hành tinh có khối lượng lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn các hành tinh khí khổng lồ của Hệ Mặt Trời, thường được quy ước là từ trên 1 cho tới 10 lần khối lượng Trái Đất. Một số nhà khoa học đề xuất rằng ngoài giới hạn này thì còn cần quy ước thêm siêu Trái Đất cần là các hành tinh đá, tuy nhiên việc đó là không chính thức. Ngoài ra, không có bất cứ quy ước nào về thành phần hóa học, điều kiện bề mặt, có khí quyển hay không và do đó càng không liên quan dù chỉ một chút nhỏ nhất tới việc có sự sống hay không.
Hiện tại, cũng như ít nhất vài thập kỷ tới, không có bất cứ kính thiên văn nào - dù là kính mặt đất hay kính không gian, dù thu ánh sáng ở bước sóng nào đi nữa - có khả năng quan sát được bề mặt và khí quyển của một hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời. Hệ hành tinh gần nhất nằm cách chúng ta 4 năm ánh sáng, và người ta cũng chỉ có thể phát hiện ra sự tồn tại của các hành tinh ở đó qua hiện tượng quá cảnh (transit) - tức là dựa vào sự suy giảm ánh sáng của ngôi sao một cách có chu kỳ khi hành tinh di chuyển qua để ngoại suy ra, chứ không hề nhìn thấy hành tinh một cách trực tiếp.
Siêu Trái Đất chỉ là hành tinh có khối lượng lớn hơn Trái Đất và nhỏ hơn các hành tinh khí khổng lồ, không hề nói lên là nó giống Trái Đất. Những hành tinh có kích thước và khối lượng tương tự Trái Đất thì được gọi là "hành tinh dạng Trái Đất" (Earth-like planet), nhưng ngay cả chúng cũng chỉ giống Trái Đất về kích thước và khối lượng, chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng có khả năng sống được.