Hãy để người tốt muốn làm việc tốt!

Theo TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm KH&XH Việt Nam, hiệp sỹ đường phố là những người tự nguyện làm việc tốt mà không cần được trả công. Tuy vậy, họ không thể làm thay việc của công an, càng không thể công nhận họ là một lực lượng chính quy có hưởng lương. Bởi như thế thì họ không còn là “hiệp sỹ” nữa.

Làm việc nghĩa, mấy ai mong có lương

Câu chuyện hiệp sỹ đường phố hy sinh trong khi đuổi bắt cướp ở TP HCM thời gian qua đang làm nóng dư luận. Nhiều người cho rằng phải tôn vinh các hiệp sỹ, tạo cơ chế khuyến khích họ làm việc vì cộng đồng. Ở góc nhìn xã hội học, ông nghĩ sao về câu chuyện này?

Chuyện các hiệp sỹ đường phố ra tay bắt trộm cướp, cứu giúp người bị nạn… là rất đáng hoan nghênh, khuyến khích. Cả xã hội nể phục, tôn trọng họ, cổ vũ họ và mong muốn họ giữ mãi được nhiệt huyết vì cộng đồng. Tuy nhiên thực tế cũng đặt ra hàng loạt vấn đề.

Lực lượng hiệp sỹ đường phố này sống bằng giá trị đạo đức của cộng đồng, được cộng đồng tôn vinh. Khi xảy ra chuyện rủi ro thì Nhà nước vào cuộc để giúp họ. Khuyến khích họ là rất nên, nhưng có người bảo nên tổ chức thành một lực lượng thì lại không ổn.

Nhưng với nạn trộm cướp nhiều như ở TP HCM thì những hiệp sỹ này lại giúp ích cho người dân rất nhiều?

Nhưng về chính danh thì chúng ta đã có lực lượng chính thức giữ gìn an ninh trật tự là công an. Số lượng cán bộ chiến sỹ trong lực lượng công an để giữ gìn an ninh trật tự không phải là ít, nếu không muốn nói là rất đông.

Chẳng qua là thực tế thì luôn biến chuyển, sinh động, sự việc xảy ra ở mọi nơi, mọi chỗ nên lực lượng này làm không xuể.

Nếu muốn xiết lại an ninh trật tự thì phải cung cố tổ chức lại hoạt động của công an, chứ không phải là công nhận các hiệp sỹ đường phố là một lực lượng chính quy hưởng lương ngân sách.

Nếu vừa có lòng nghĩa hiệp, lại có nghĩa vụ bảo vệ an ninh, săn bắt trộm cướp thì hiệu quả sẽ cao hơn chứ?

Ai cũng rất hoan nghênh những người nghĩa hiệp vì người khác, không màng vụ lợi. Nhưng nói gì thì nói, họ vẫn là những người làm một cách tự nguyện và rất tự do, không thuộc sự quản lý của cơ quan tổ chức nào. Thậm chí có những lúc lực lượng này bị hiểu lầm là đi đòi nợ thuê, tham gia làm những việc không chính danh.

Người mang danh hiệp sĩ cũng nhiều, thậm chí cũng có thể có kẻ cơ hội. Trong cái sự nhập nhèm, hỗn độn ấy thì thủ tục chứng minh là người tốt trong xã hội này cực khó.

Trong khi người ta lên án sự thờ ơ với cộng đồng thì hiệp sỹ đường phố là tín hiệu tốt đẹp của xã hội, rằng người tốt vẫn còn xung quanh ta. Nếu không bảo vệ họ, đồng nghĩa không bảo vệ điều tốt, cái thiện?

Ngày xưa, hiệp sỹ gắn với hình ảnh trên lưng ngựa, đeo gươm và làm việc nghĩa. Ngày nay, ai làm việc nghĩa cũng có thể coi là hiệp sỹ và được xã hội tôn vinh. Hiệp sỹ làm việc không mong có lương, có thu nhập hay được trả ơn. Sự tôn vinh của xã hội, tình cảm của mọi người dành cho họ chính là lương. Họ được người dân chào đón, yêu mến, làm động lực để họ tiếp tục cống hiến, chứ đó không phải là sứ mệnh họ phải làm.

Đừng đưa hiệp sỹ vào biên chế    

Ông vừa nói rằng không nên công nhận chính thức hiệp sỹ đường phố là một lực lượng được trả lương, vì sao thế?

Chắc chắn là họ không làm thay được công an. Họ cũng không thể làm tranh phần của công an được, vì công an được nhà nước trả lương để làm việc, với những nguyên tắc làm việc cụ thể, rõ ràng. Còn hiệp sỹ đường phố chỉ đơn giản là những người có tinh thần nghĩa hiệp. Họ cũng có cuộc sống riêng, cũng phải đi làm, kiếm sống.

Nhưng nếu gặp những tình huống như trộm cướp thì họ sẵn sàng ra tay, cũng một cách rất bản năng, không có vũ khí gì. Việc khuyến khích họ là cần thiết. Còn nếu công nhận họ là một lực lượng có trả lương, biên chế thì không ổn. Nó sẽ “va” rất nhiều với các cơ quan chức năng có nhiệm vụ ấy.

Rồi có khi công nhận và có biên chế, lại làm nảy sinh những tiêu cực?

Đúng thế. Tốt nhất là hãy để họ như những người hùng trên đường phố, người hùng trong mắt người dân, hơn là công nhận họ rồi lại ban hành một loạt các quy định về hoạt động, quản lý, giám sát… Hãy nuôi dưỡng lòng tốt bằng sự khuyến khích, động viên, chia sẻ với các hiệp sĩ.

Khi gặp biến cố, Nhà nước có cơ chế giúp đỡ họ vượt qua khó khăn. Như thế, lòng tốt sẽ được nhân lên, người ta sẽ mong muốn làm được nhiều việc tốt hơn.

Có người đề xuất, nên có cơ chế kết hợp hoạt động của hiệp sỹ đường phố với công an, ông nghĩ sao?

Hiệp sĩ đường phố là một mô hình đẹp. Mô hình này tự phát nhưng lại là mô hình rất đẹp. Nhiều người làm việc bất vụ lợi, không tính toán gì, không màng lợi ích, thậm chí không xin xỏ người được giúp đỡ. Còn lực lượng chuyên trách, lực lượng công an, đó là lực lượng nòng cốt chống tội phạm, là nóng cốt xây dựng thế trận an ninh nhân dân.

Họ có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng quy định trong luật. Nhưng cũng không thể nói rằng, chỉ có công an mới làm. Tất cả cá nhân, cơ quan tổ chức ai là người Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Qua câu chuyện này rõ ràng, người tốt trong xã hội nay không hiếm, ông có nghĩ thế?

Việc ra đời tổ chức hiệp sỹ, mặc dù tự phát, nhưng đây hoàn toàn là khách quan, do nhu cầu xã hội. Giống như chuyện Lục Văn Tiên xưa đánh cướp, “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Hãy nhân lên lòng tốt và hãy để người tốt muốn làm người tốt.

Hiệp sỹ hãy biết tự bảo vệ mình

Sự việc 2 hiệp sỹ hy sinh khi bắt cướp vừa qua khiến người ta thấy lo lắng, bất an cho chính các hiệp sỹ. Thậm chí có ý tưởng còn đề xuất trang bị áo giáp cho các hiệp sỹ. Theo ông thì có cách nào để bảo vệ họ không?

Những con người nghĩa hiệp bỏ thời gian, công sức ra làm việc “vác tù và hàng tổng” rồi bị tai nạn là điều không ai mong muốn. Trước khi có một “cơ chế” bảo vệ thì tôi cho rằng chính các hiệp sỹ phải bảo vệ bản thân minh trước khi bảo vệ được người khác. Làm gì cũng phải có kỹ năng. Khi quyết định làm hiệp sỹ đường phố, phải học các kỹ năng tự vệ. Dù việc nghĩa hiệp thì không có ranh giới và cũng không cân nhắc thiệt hơn, nhưng phải có kỹ năng. Đừng làm một cách tự phát, không tính toán sẽ làm hại đến bản thân.

Nhưng tội phạm thường manh động, có vũ khí chưa chắc đã an toàn?

Bởi thế nên lại càng cần phải thận trọng. Áo giáp mà có phủ  toàn thân đi nữa nhưng thiếu kỹ năng phối hợp tác chiến, thiếu cơ chế hoạt động, thiếu công cụ hỗ trợ thì có trang bị tận răng thì các anh cũng gặp nhiều vấn đề.

Nhưng học kỹ năng thế nào khi họ không được đào tạo bài bản, không được trang bị vũ khí?

Các hiệp sỹ có thể học hỏi các hình ảnh trên truyền thông, trên mạng xã hội, xem trên Youtube, xem video cách trấn áp tội phạm, cách phòng vệ. Bên cạnh đó có thể gặp các chiến sĩ công an trao đổi nghiệp vụ trấn áp bắt đối tượng một cách an toàn hơn.

Bản thân các hiệp sỹ có thể trao đổi kinh nghiệm trấn áp, bắt giữ tội phạm. Tùy trong từng tình huống có thể nhờ đến sự trợ giúp của công an, hoặc trao đổi thông tin với công an. Có như thế mới duy trì được công việc lâu dài, bảo vệ được tính mạng của bản thân.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 18/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định truy tặng và tặng huân chương dũng cảm cho 7 hiệp sỹ của Đội hiệp sỹ Tân Bình trong vụ vây bắt nhóm trộm xe SH trên đường Cách mạng tháng 8 (Q.3, TP.HCM), bị chúng tấn công khiến 2 người tử vong và 3 người bị thương nặng. Trước đó, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đến tận giường bệnh thăm hỏi, động viên và trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho hai hiệp sỹ Đinh Phú Quý, Nguyễn Đức Huy và tặng bằng khen cho hiệp sỹ Trần Văn Hoàng. Trung ương Đoàn cũng đã truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho hiệp sỹ Nguyễn Hoàng Nam và truy tặng bằng khen cho hiệp sỹ Nguyễn Văn Thôi.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top