Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trước khi Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những bất cập, dư luận đã có nhiều ý kiến về việc nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu (Quỹ BOG).

Buông lỏng trách nhiệm

Mới đây, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG, ông đánh giá thế nào về việc này?

Không phải đến nay, khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, những bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG mới được chỉ rõ. Trước đó, dư luận có nhiều ý kiến về sự bất cập này.

Bất cập thứ nhất là Quỹ BOG sử dụng tiền của dân, trong khi doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không nộp tiền vào quỹ. Bất ổn ở chỗ tiền trích quỹ do doanh nghiệp quản lý, trong khi cơ quan chức năng quyết định việc sử dụng. Quản lý, vận hành quỹ cũng không chặt chẽ để một số doanh nghiệp rút ra sử dụng mục đích khác, chiếm dụng. Xử phạt cũng không nghiêm minh.

Cùng đó, việc trích và chi sử dụng Quỹ BOG không theo kịp biến động giá thế giới do quy định trong Thông tư 103 của Bộ Tài chính. Cụ thể, Quỹ BOG trích lập quỹ 300 đồng/lít, khi giá giảm từ 5% trở lên được phép trích thêm, giá tăng 7% trở lên mới được phép xả quỹ.

Những bất cập trên được Thanh tra Chính phủ nêu rõ như nhiều cơ quan tham gia quản lý Quỹ BOG, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo, ảnh hưởng hiệu quả.

Trong khi đó, điều hành Quỹ BOG chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung phương pháp xác định mức trích, mức chi, dẫn đến từ năm 2017 đến 2021, hai cơ quan liên bộ quyết định mức trích, mức chi quỹ thiếu cơ sở pháp luật. Liên bộ này đã quyết định chi Quỹ BOG khi giá xăng dầu chưa tăng với hơn 1.142 tỷ đồng; cùng đó đã chi bình ổn giá cao hơn mức tăng giá với hơn 318,1 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại kỳ điều hành từ ngày 1/1/2017 đến trước 15h ngày 23/4/2018, liên bộ ban hành văn bản điều hành giá không rõ ràng, dẫn đến 19/27 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trích lập quỹ sai chủng loại xăng RON 95 với hơn 1.013 tỷ đồng và chi sử dụng quỹ hơn 679,8 tỷ đồng.

Các cơ quan quản lý Quỹ BOG còn đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quy định, quy chế phối hợp trong kiểm tra, giám sát doanh nghiệp đầu mối thực hiện quy định đối với Quỹ Bình ổn, chưa kịp thời xử lý vi phạm về bình ổn của doanh nghiệp đầu mối.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng quản lý quỹ, dẫn đến 7 đầu mối sử dụng sai mục đích, không kết chuyển về tài khoản Quỹ BOG, mà để ở tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả hơn 7.927 tỷ đồng. Chính vì không kịp thời xem xét xử lý, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép doanh nghiệp bị xử phạt, Quỹ BOG liên tục bị các doanh nghiệp đầu mối chiếm dụng, sử dụng sai mục đích.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Những bất cập đã được chỉ rõ, vậy cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?

Tôi cho rằng, những tồn tại nêu trên có trách nhiệm của các Bộ quản lý Quỹ BOG. Từ việc buông lỏng quản lý dẫn đến xuất hiện những nhóm lợi ích, thương nhân đầu mối có “quyền sinh, quyền sát” với đơn vị bán lẻ, chèn ép xin cho.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể các Bộ này trong phối hợp quản lý và giám sát Quỹ BOG, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chiếm dụng, sử dụng quỹ sai mục đích.

“Bỏ Quỹ BOG là đúng đắn”

Những bất cập được Thanh tra Chính phủ chỉ ra mới đây một lần nữa cho thấy nên bỏ Quỹ BOG, ông ý kiến sao về việc này?

Tôi cho rằng, bỏ Quỹ BOG là đúng đắn để xăng dầu có giá sát thị trường. Thời gian qua, nhiều ý kiến đánh giá quỹ này hoạt động không hiệu quả, phải có giải pháp thay thế. Để thị trường xăng dầu hiệu quả, tránh đứt gãy nguồn cung, quan trọng nhất phải dự trữ bằng hiện vật là nguồn xăng dầu, thay vì để tiền trong quỹ rồi điều hành như hiện nay. Lý thuyết thương mại hiện đại cho rằng, lưu thông mà không có dự trữ thì coi như không lưu thông. Cả nước 20 triệu tấn xăng dầu một năm mà dự trữ có 7 ngày. Tôi cho rằng, phải dự trữ ít nhất từ 3 đến 6 tháng. Ở một số quốc gia, dự trữ xăng dầu thậm chí còn có lãi khi thấp mua vào, cao bán ra. Dự trữ không phải khóa kho xăng dầu mà giao cho đơn vị hạch toán kinh tế, mua vào, bán ra luân chuyển, đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, việc bỏ quỹ cũng tránh nguy cơ hàng nghìn tỷ đồng thuộc quỹ bị sử dụng sai mục đích, không hiệu quả, trong khi đây là số tiền do người dân đóng góp thông qua mua xăng dầu.

Theo chuyên gia, giải pháp nào quản lý xăng dầu để tránh bất cập?

Quản lý xăng dầu phải tự chủ hạch toán, lời ăn lỗ chịu, tự do lựa chọn đầu mua, bán, thậm chí phải cho đơn vị bán lẻ quyết định giá. Ở Mỹ, những doanh nghiệp bán lẻ được mua trực tiếp tại Kuwait, trong khi chúng ta vẫn phụ thuộc một số thương nhân đầu mối.

Đặc biệt, chúng ta sớm có cuộc cách mạng về hệ thống phân phối xăng dầu, trong đó cắt bớt đầu mối trung gian, đi thẳng từ cung cấp hàng hóa đến bán lẻ, chứ không phải tầng lớp như hiện nay và định đoạt chi phí.

Bên cạnh đó, chuyển dự trữ sang bằng hiện vật, tự do cạnh tranh. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng hàng hóa, cạnh tranh bình đẳng; đồng thời giao cho một Bộ quản lý, tránh tình trạng “lắm cha, con khó lấy chồng”.

Bên cạnh đó, cần quan tâm thuế phí xăng dầu. Hiện, thuế môi trường giảm nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt lại đánh lẫn cùng thuốc lá với rượu, trong khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, “mạch máu” lưu thông của đất nước. Thuế phí hiện nay chiếm khoảng 30% giá xăng, dầu.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên!

Điểm danh "ông lớn" đầu mối xăng dầu vi phạm

Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, 3/7 thương nhân đầu mối là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên.

Có 3 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã trích lập và chỉ sử dụng Quỹ BOG đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách, dẫn đến trích lập Quỹ sai với số tiền 4,7 tỷ đồng và chi sử dụng quỹ sai 22,5 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty Thủy bộ Hải Hà trích quỹ vượt khối lượng 4,7 tỷ đồng. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng chi vượt khối lượng 4,6 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp chi vượt khoảng 3,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty Xuyên Việt Oil trích lập Quỹ bình ổn giá thiếu 3 tỷ đồng; Công ty Dầu khí Đồng Tháp thực hiện một số bút toán điều chỉnh giảm Quỹ bình ổn xăng dầu 10,2 tỷ đồng không phù hợp nguyên tắc kế toán.

Cơ quan thanh tra cũng chuyển tài liệu liên quan sang cơ quan điều tra, Bộ Công an, để xem xét, xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan sử dụng Quỹ Bình ổn Xăng dầu và kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường tại 3 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà).

Giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu

Liên quan việc quản lý Quỹ BOG xăng dầu, trong công điện mới nhất, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng, nơi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đăng ký mở tài khoản Quỹ BOG, thực hiện nghiêm túc quy định tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cùng với các cơ quan liên quan về quản lý Quỹ BOG công khai, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, Bộ trưởng các Bộ Công thương, Tài chính, Công an, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu (chất lượng xăng dầu, thời gian bán hàng, giá bán lẻ xăng dầu, sử dụng Quỹ BOG…).

Theo Đời sống
back to top