Điều trị đái tháo đường type 2 ở thanh thiếu niên

Đái tháo đường type 2 thường gặp ở người lớn > 35 tuổi, nhưng hiện cũng gặp ở thanh thiếu niên ngày càng nhiều, hậu quả của đại dịch béo phì. Điều trị những bệnh nhân này tùy theo mức đường huyết.

Hỏi: Con tôi mới hơn 10 tuổi đã bị đái tháo đường type 2, tôi rất lo lắng không biết nên điều trị thế nào cho đúng?

Nguyễn Thị Lan (Hà Nội)

Điều trị đái tháo đường type 2 ở thanh thiếu niên - Ảnh minh hoạ

Điều trị đái tháo đường type 2 ở thanh thiếu niên - Ảnh minh hoạ

Trả lời: Đái tháo đường type 2 thường gặp ở người lớn > 35 tuổi, nhưng hiện cũng gặp ở thanh thiếu niên ngày càng nhiều, hậu quả của đại dịch béo phì. Điều trị những bệnh nhân này tùy theo mức đường huyết như sau:

Nếu HbA1C < 8,5%, không có nhiễm toan:

• Thay đổi lối sống

• Cho uống Metformin, tăng dần lên liều tối đa 2000mg/ngày chia 2 lần

• Nếu không đạt mục tiêu đường huyết: Thêm thuốc GLP-1 RA hoặc SGLT-2i hoặc 1 mũi insulin nền

Nếu HbA1C ≥ 8,5%, không có nhiễm toan:

• Thay đổi lối sống

• Cho uống Metformin, tăng dần lên liều tối đa 2000mg/ngày

• Tiêm 1 mũi insulin nền, liều khởi đầu là 0,25 – 0,5 đơn vị/kg/ngày và/hoặc tiêm 1 mũi GLP-1 RA hay uống SGLT-2i nếu không có nhiễm toan

• Nếu không đạt mục tiêu đường huyết: Điều trị tích cực bằng insulin (basal-bolus) nếu chưa dùng hoặc bằng các thuốc khác được FDA chấp thuận

• Nếu vẫn chưa đạt mục tiêu đường huyết: Điều trị phối hợp

Nếu có nhiễm toan, nhiễm toan ceton hoặc tăng áp lực thẩm thấu

• Truyền insulin tĩnh mạch cho đến khi hết nhiễm toan hoặc tăng áp lực thẩm thấu

• Chuyển tiêm insulin dưới da (phác đồ Basal – Bolus)

• Thay đổi lối sống

• Cho uống Metformin, tăng dần lên liều tối đa 2000mg/ngày

• Nếu đạt mục tiêu đường huyết: Cân nhắc ngừng insulin nếu có thể và chuyển sang dùng theo phác đồ không có insulin, theo dõi đáp ứng.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)

Theo VietnamDaily
back to top