Vàng da ở trẻ sơ sinh, không nên xem thường

Trẻ mắc vàng da bệnh lý và không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nghiêm trọng đến hệ thần kinh của trẻ, thậm chí đe dọa tử vong.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, thời gian vừa qua, tại khoa Hồi sức tích cực sơ sinh của Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều ca vàng da bệnh lý, đặc biệt có những trường hợp trẻ mắc vàng da nhân, được chỉ định phải thay máu.

Bệnh nhi H.B.N (Văn Nho – Bá Thước) được phát hiện vàng da ở ngày tuổi thứ 2, đã chiếu đèn vàng da tại bệnh viện huyện nhưng tình trạng không được cải thiện.

Bệnh nhi được chuyển xuống viện Nhi Thanh Hóa khi được 4 ngày tuổi với tình trạng xét nghiệm Bilirubin tăng cao và có biểu hiện thần kinh: Phản xạ chậm, bỏ bú, cơn tăng trương lực cơ.

Trẻ được chẩn đoán vàng da nhân và ngay lập tức được các bác sỹ khoa Hồi sức tích cực sơ sinh chỉ định thay máu, chiếu đèn tích cực, theo dõi sát toàn trạng.

Bệnh nhi thứ 2 là H.N (Quảng Xương) nhập viện Nhi Thanh Hóa khi được 6 ngày tuổi. Trẻ nhập viện trong tình trạng xuất hiện vàng da tăng dần, bụng chướng, bú kém, sốt cao nhất 39 độ C.

Trẻ đã được điều trị: Thay máu, chiếu đèn tích cực, kháng sinh, dinh dưỡng. Qua 7 ngày điều trị tình trạng trẻ tiến triển tốt đã được ra viện.

Các bác sĩ bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, có nhiều nguyên nhân vàng da bệnh lý cho trẻ, tình trạng vàng da tăng Bilirubin tự do sớm ở những ngày đầu sau đẻ cần được theo dõi sát như Vàng da do bất đồng nhóm máu mẹ con ABO, Rh, hay thiếu men G6PD hoặc những bất đồng dưới nhóm, hay bệnh lý về máu gây tan máu nhiều.

Những nguyên nhân gây vàng da kéo dài như: Suy giáp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý viêm gan hay tắc mật…. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, kết quả tốt không để lại di chứng.

Nếu trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng là vàng da nhân xám. Hệ quả để lại của vàng da nhân xám là bại não, chậm phát triển tinh thần, vận động, nặng nhất là tử vong.

Chăm sóc bệnh nhi vàng da tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa - Ảnh BVCC

Chăm sóc bệnh nhi vàng da tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa - Ảnh BVCC

Vàng da bệnh lý rất khó để phân biệt với vàng da sinh lý. Vì vậy phụ huynh cần theo dõi sát sao tình trạng của trẻ, đặc biệt trong những ngày đầu sau sinh. Khi trẻ có những dấu hiện bất thường sau, trẻ được cần đưa ngay đến cơ sở y tế đúng chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời:

• Vàng da xuất hiện sớm từ ngày thứ nhất, thứ 2 sau sinh.

• Vàng da tăng nhanh đến quá vùng bụng đến lòng bàn tay chân.

• Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, tăng trương lực cơ, ngừng thở….

• Những gia đình có tiền sử: Trẻ đầu đã bị vàng da hoặc mẹ nhóm máu (O), hoặc những bệnh lý về máu.

• Không hết vàng sau 10 ngày với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng.

Vàng da ở trẻ sơ sinh được coi là sinh lý khi đáp ứng đầy đủ tiêu chí sau:

• Trẻ đủ tháng hoặc sinh non muộn ( >=35 tuần)

• Vàng da xuất hiện sau 48 giờ tuổi.

• Vàng da diễn biến từ từ và hết sau 7-10 ngày.

• Định lượng Bilirubin < 13mg% ở trẻ đủ tháng.

• Vàng da đơn thuần.

• Trẻ khỏe.

Theo VietnamDaily
Tắc ruột do “hội chứng ăn tóc”

Tắc ruột do “hội chứng ăn tóc”

Hội chứng Rapunzel là hội chứng tâm lý hiếm gặp với biểu hiện từ việc với sở thích nhổ tóc và ăn tóc. Ăn nhiều tóc không kiểm soát được sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
back to top