Bé 19 tháng tuổi chưa biết ngồi,... được chẩn đoán bại não thể co cứng
Theo thông tin từ khoa Y học Cổ truyền Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trẻ em (Hải Phòng), hàng ngày khoa tiếp nhận khám rất nhiều trẻ có yếu tố chậm phát triển, tuy nhiên các bé đều được đưa đến khám rất muộn. Thông thường, đến khi trẻ đến tháng tuổi sẽ đi tốt, chạy nhanh rồi nhưng con vẫn chưa làm được thì cha mẹ mới đưa con đi khám.
Điển hình trường hợp trẻ 19 tháng tuổi, chưa biết ngồi, tăng trương lực cơ nhiều, gồng cứng nhiều, hai tay thường xuyên nắm chặt, chân duỗi cứng, các mốc phát triển đều chậm hơn so với bình thường.
Sau khi khám và làm các cận lâm sàng (chụp MRI, xét nghiệm gen, rối loạn chuyển hóa...) trẻ được chẩn đoán bại não thể co cứng. Tuy nhiên khi hỏi tại sao 19 tháng tuổi gia đình mới cho con đi khám thì nhận được câu trả lời "Gia đình nghĩ cháu chỉ chậm thôi. Chứ không có bệnh lý gì cả’’.
Sau khi thăm khám và qua 3 đợt điều trị (mỗi đợt từ 15-20 ngày) thì trẻ từ chưa ngồi được đến ngồi được 2 đến 3 phút rồi ngồi vững, lết nhanh và đã vịn đứng tốt .
Qua đây Bác sĩ cũng nhấn mạnh những trẻ chậm phát triển vận động đặc biệt là Bại não việc can thiệp sớm sẽ giúp trẻ cải thiện chức năng vận động, hạn chế các thương tật thứ phát và thúc đẩy thần kinh để đạt được những chức năng tối ưu của trẻ. Gia đình không nên chủ quan.
Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm vận động
Cha mẹ cần lưu ý các biểu hiện chậm vận động ở trẻ để có hướng xử lý kịp thời nhất là các mốc vận động dưới đây:
3 tháng đầu: Không thể cầm nắm đồ vật. Đầu của trẻ khó kiểm soát và không đưa đồ vật cầm trong tay lên miệng
7 tháng: Không có biểu hiện lật, lẫy và không thể ngồi dậy nếu cha mẹ hoặc người thân không giúp đỡ
9 tháng: Chưa thể vận động quay trở người và chưa bò. Hoặc trẻ bò nhưng khó khăn khi phối hợp chân tay, chân tay hoạt động không đều khi bò
Từ 12-18 tháng tuổi: Lúc này trẻ đã có thể đi 1 vài bước hoặc chập chững đứng. Nhưng nếu trẻ không thể đứng nếu không có ai hỗ trợ, chưa đi được thì được xem là chậm hơn so với trẻ cùng trang lứa.
Một số vấn đề thường gặp ở trẻ chậm phát triển:
Trẻ chậm hoặc không đạt được các mốc phát triển trong độ tuổi dự kiến.
Trẻ gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ, giữ thăng bằng khiến trẻ dễ bị té ngã, gặp khó khăn trong chạy nhảy.
Trẻ gặp khó khăn trong việc thực hiện các vận động đòi hỏi độ chính xác cao như cầm bút, tô màu, cài nút áo, buộc dây…
Trẻ bị yếu cơ khiến các hoạt động thể chất bị hạn chế, dễ bị mệt mỏi.
Khi nghi ngờ trẻ bị chậm phát triển vận động, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị, hỗ trợ càng sớm càng tốt. Nhằm hỗ trợ quá trình chẩn đoán được chính xác và nhanh chóng, bác sĩ có thể cần bố mẹ cung cấp thêm một số thông tin của trẻ như sự phát triển, tiền sử bệnh. Bên cạnh đó, trẻ sẽ được yêu cầu thực hiện một số bài kiểm tra để bác sĩ đánh giá mức độ phát triển của trẻ.