Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ: Phát hiện sớm, can thiệp hiệu quả

20% trẻ chậm phát triển ngôn ngữ. Đa số trẻ sẽ bắt kịp đà phát triển khi 4 tuổi nếu được can thiệp sớm và tích cực.

Nhiều yếu tố khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ

Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em là một tình trạng chậm trễ trong việc đạt được mốc phát triển về ngôn ngữ, bao gồm ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ diễn đạt.

Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói, phản ứng lại với lời nói của người khác, chậm nói, không ghép được các từ thành câu, vốn từ ít, diễn đạt câu vụng về… Thông thường, một trẻ được coi là chậm nói khi tới 2 tuổi vẫn chưa nói được khoảng 50 từ đơn hoặc chưa nói được từ ghép (câu 2 từ).

Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Đa số trẻ sẽ bắt kịp đà phát triển khi 4 tuổi nếu được can thiệp sớm và tích cực. Tuy nhiên, một số trẻ vẫn còn những khó khăn về ngôn ngữ sau 4 tuổi, vì vậy vẫn cần những biện pháp can thiệp lâu dài.

Một số yếu tố nguy cơ của chậm phát triển ngôn ngữ:

- Gia đình có người bị chậm phát triển ngôn ngữ (cha mẹ, anh chị).

- Trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân khi sinh, có biến chứng khi sinh.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ - Hình minh họa

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ - Hình minh họa

Biểu hiện của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ

Chậm phát triển ngôn ngữ có thể xuất hiện bởi các triệu chứng của rối loạn giao tiếp và rối loạn phát triển khác. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý phát hiện các bất thường khác đi kèm, bao gồm:

- Những bất thường về hàm mặt có thể ảnh hưởng đến khả năng phát âm.

- Khả năng nghe hiểu của trẻ: Trẻ kém phản ứng với âm thanh, hoặc không hiểu lời nói, không hiểu mệnh lệnh. Trẻ cần kiểm tra thính lực (sức nghe) trong những trường hợp bất thường về phát triển ngôn ngữ.

- Trẻ kém các kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội: Gọi ít đáp ứng, giảm nhìn mắt, thờ ơ, ít chơi với các bạn cùng lứa, không biết khoe, mách hoặc chia sẻ mối quan tâm, không có các cử chỉ như chỉ ngón, vẫy tay chào, gật/lắc đầu…

- Các hành vi bất thường: động tác chơi tay, vẫy tay bất thường, đi kiễng chân, quay tròn người, cuốn hút quá mức vào một đồ vật, sự việc nào đó…

- Hoạt động nhiều quá mức, rất khó ngồi yên, khó duy trì sự tập trung chú ý trong vài phút.

- Những cơn cáu giận vô cớ, xuất hiện thường xuyên, cường độ mạnh.

Cách giúp trẻ phát triển ngôn ngữ - Ảnh minh họa

Cách giúp trẻ phát triển ngôn ngữ - Ảnh minh họa

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ chậm phát triển ngôn ngữ?

Việc phát hiện sớm các dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ, giao tiếp ở trẻ sẽ đem lại cơ hội điều trị tốt hơn. Vì thế, khi cha mẹ thấy con mình có những bất thường kể trên, cần sớm đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín nhằm: đánh giá toàn diện các kỹ năng phát triển của trẻ, phát hiện các nguyên nhân hoặc các yếu tố ảnh hưởng đến ngôn ngữ của trẻ, thực hiện các trắc nghiệm tâm lý cần thiết.

Hình minh họa

Đơn vị Tâm bệnh trực thuộc khoa Nhi là nơi thăm khám, đánh giá, can thiệp các rối loạn phát triển cho trẻ.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ được thăm khám bởi đội ngũ bác sĩ, chuyên viên tâm lý giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu, nhiệt tình, yêu trẻ. Cha mẹ sẽ được hướng dẫn, tư vấn cụ thể về các hoạt động can thiệp, hỗ trợ cho trẻ tại gia đình.

BS Lê Phương Thảo - BS Trần Thị Hải Yến (Đơn vị Tâm bệnh - Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí)

Theo Đời sống
back to top